Tính đến đầu tháng 3/2020, cơ cấu cổ đông của Savico vẫn khá cô đặc, trong đó Tổng công ty Bến Thành - doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM, là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 40,81%; các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 48% bao gồm PYN Elite Fund (8,23%), Finansia Syrus Securities (12,08%), Probus Opportunities (7,7%), Tundra Fonder (5,1%), Endurance Capital Vietnam I Ltd (4,1%).
Cơn sóng ngầm tại Savico
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3/2020, hầu hết các quỹ ngoại kể trên lần lượt thoái vốn khỏi Savico. Cụ thể, ngày 12/5, quỹ ngoại Endurance Capital Vietnam I Ltd công bố đã bán hơn 1,1 triệu cổ phiếu SVC.
Trước đó, ngày 27/3, Finansia Syrus Securities Public Company Limited đã bán 1 triệu cổ phiếu SVC và không còn là cổ đông lớn của Savico. Tương tự, các quỹ Finansia Syrus đã bán 500.000 đơn vị, Finansia Syrus Securities Public Company Limited đã bán 200.000 cổ phiếu SVC.
Đặc biệt, Quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Non – Ucits) cũng thông báo đã bán ra 2 triệu cổ phiếu SVC. Sau giao dịch, Pyn Elite chỉ còn sở hữu 55.370 cổ phiếu SVC và không còn là cổ đông lớn của Savico.
Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh, ngày 28/5 tới, đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (ĐHĐCĐ) của Savico sẽ được tổ chức cũng là thời điểm dàn HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ kết thúc.
Savico đang có một đợt "sóng ngầm" khiến cổ phiếu SVC nổi sóng? (Ảnh: Internet) |
Hiện, hai đại diện của quỹ ngoại Endurance là Lars Johan Gerard De Geer và Đinh Trúc Phương hiện đang là thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát của Savico. Tuy nhiên, khả năng tiếp tục ứng cử của hai thành viên này là không nhiều bởi quỹ Endurance đã không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp.
Trước đó, nhân sự cấp cao của Savico cũng có nhiều biến động khi tháng 9/2019 ông Nguyễn Bình Minh đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và vai trò đại diện phần vốn cho cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Bến Thành theo sự điều động của Ủy ban Nhân dân TP.HCM sang công tác tại doanh nghiệp.
Thay thế ông Minh làm Chủ tịch HĐQT Savico là Tổng giám đốc Mai Việt Hà, người thay thế ông Hà là ông Phan Dương Cửu Long. Được biết, Savico vẫn đang khuyết một vị trí HĐQT và không thành viên HĐQT nào trực tiếp sở hữu lượng cổ phần đáng kể tại công ty.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý I/2020, Savico ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.145,7 tỷ đồng giảm 25,4% so với cùng kỳ; sau khi trừ đi các chi phí công ty lãi 8,8 tỷ đồng, giảm 89% so với quý I/2019.
Năm 2020, Savico đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 19% so với năm 2019, còn 14.763 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 53% so với năm 2019, còn gần 108 tỷ đồng (không bao gồm hạch toán hiệu quả dự án 104 Phổ Quang, Hà Nội ).
Đằng sau “cánh gà”
Nhìn vào diễn biến trên có thể thấy, Savico đang rơi vào trạng thái khó khăn khi lợi nhuận quý I giảm mạnh, và triển vọng kinh doanh không mấy tươi sáng. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ ngoại thì các biến động về kết quả kinh doanh trong 1 thời điểm không phải là nguyên nhân để tháo chạy khỏi một doanh nghiệp được họ đánh giá là tiềm năng.
Vậy nguyên nhân gì khiến hàng trăm tỷ đồng vốn ngoại đã rút khỏi cổ phiếu SVC chỉ trong thời gian ngắn? Chuyện gì đang xảy ra với Savico?
Thực tế, trái ngược với triển vọng kinh doanh đi xuống, trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu SVC trong hơn 1 tháng qua liên tục bứt phá, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/5/2020 tại 73.000 đồng/cổ phiếu, tăng 29,8% so với đầu tháng 5. So với thời điểm đầu quý II/2020, khi Vn-Index bắt đầu hồi phục, mức tăng giá của cổ phiếu này là 60,8%.
Có ý kiến cho rằng, sự tăng giá ngoạn mục của cổ phiếu SVC diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này ảm đạm đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đặt dấu hỏi về động lực tăng giá nên đã quyết "dứt áo ra đi".
Tuy nhiên, trong một báo cáo đăng tải trên website ngày 24/3/2020 của PYN Elite Fund đã chia sẻ rằng “Chúng tôi đã bán toàn bộ một vị thế nhỏ và không mấy thanh khoản tại chuỗi đại lý xe hơi SVC trong giai đoạn thị trường biến động. Một cuộc chạy đua quyền sở hữu tại doanh nghiệp đã mở đường cho phi vụ thoái vốn.”
Đáng chú ý, mặc dù hàng loạt cổ đông lớn rời đi, nhưng cơ cấu cổ đông của Savico đến nay chưa ghi nhận thêm cổ đông lớn mới xuất hiện.
Phải chăng, một nhóm cổ đông hiện hữu đã gom vào lượng cổ phần mà các cổ đông ngoại bán ra và “sóng ngầm” này là nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu “nổi sóng”?
Linh Đan