![]() |
Doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia giải quyết quá tải cho HoSE. |
Trước đề nghị này, Thủ tướng cho biết, khi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gặp trục trặc, đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT. Thủ tướng yêu cầu các trục trặc của HoSE phải được xử lý mà không cần sử dụng ngân sách.
Đồng quan điểm với ông Bình, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air cũng cho rằng, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam phải có các sàn giao dịch mang tầm quốc tế.
Theo đó, muốn giải quyết vấn đề công nghệ cho HoSE có thể tốn hàng chục tỷ đồng nhưng hay hơn thì các doanh nghiệp, doanh nhân có thể chung sức giải quyết.
"Việc thay đổi phần mềm hệ thống của sàn chứng khoán tốn kém, rất lâu và cũng phụ thuộc đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước hoàn toàn giải quyết được vấn đề này", bà Thảo chia sẻ.
Như VnBusiness đã đưa tin, tình trạng nghẽn giao dịch trên HoSE xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc đang trở thành một vấn đề bức xúc lớn của các nhà đầu tư.
Nguyên nhân có thể đến từ sự gia tăng của lớp nhà đầu tư mới, sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán, cùng tình trạng mua bán chênh lệch giữa thị trường phái sinh và cơ sở khiến số lượng lệnh và thanh khoản thị trường tăng đột biến từ cuối năm 2020 đến nay, vượt quá khả năng xử lý của hệ thống HoSE. Đây là hệ thống đã được sử dụng từ những ngày đầu thị trường đi vào hoạt động cách đây 20 năm.
Theo đại diện của cơ quan quản lý, giải pháp căn cơ là thay mới hệ thống với khả năng xử lý vượt trội hơn. Tuy nhiên, dù đã ký với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012, đến nay hệ thống mới vẫn chưa sẵn sàng. HoSE cho biết, do dịch Covid-19, việc thay hệ thống mới bị đình trệ, nhanh nhất cũng phải tới cuối năm nay.
Vừa qua, HoSE đã đề xuất một số giải pháp như tăng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu hay ngưng hủy, sửa lệnh nhưng đang vấp phải sự phản đối từ thị trường vì ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.
Một trong những giải pháp có tính khả thi cao hiện nay là chuyển cổ phiếu sang HNX để giảm tải hệ thống nhưng mới chỉ có 1 doanh nghiệp hưởng ứng là Công ty chứng khoán VNDirect.
Trong khi đó, HNX mới có thông báo gửi các công ty chứng khoán thành viên về việc thử nghiệm tạo bảng điện mới cho các chứng khoán "chuyển nhà" từ HoSE.
Bảng điện này vẫn tuân thủ theo các quy định giao dịch của HoSE như kết cấu phiên, biên độ, loại lệnh, bước giá, hay lô giao dịch. Cách thức giao dịch tương đồng với HoSE, dù việc định danh số chứng khoán này sẽ thuộc sàn HNX. Việc kết nối, đặt lệnh, nhận kết quả, thanh toán sẽ được điều hướng từ các công ty chứng khoán vào hệ thống của HNX.
Bên cạnh đó, HNX cũng đã chuẩn bị xong dự thảo tài liệu đặc tả về quy trình và công nghệ gửi tới các công ty chứng khoán thành viên để cùng nghiên cứu và phối hợp thử nghiệm. Hiện chỉ còn chờ các công ty chứng khoán chỉnh sửa hệ thống phần mềm để thử nghiệm kết nối giao dịch với HNX.
L.L