Tân Tổng giám đốc Sở GDCK TP.HCM (HoSE) Lê Hải Trà vừa gây "sốc" cho các nhà đầu tư khi có những chia sẻ về việc đang tham khảo thông lệ quốc tế và lấy ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động của việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu đang gây nhiều băn khoăn, tranh luận với nhà đầu tư chứng khoán.
Đi một lệnh bằng "cả cây vàng"
Thực tế, thông tin việc nâng lô lên 1.000 (nếu có) đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới đầu tư bởi điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn ít ỏi.
Hiện, trên thị trường chứng khoán có tới hơn 10 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp trong đó có những mã được xem là “bến đỗ an toàn” với các nhà đầu tư như VIC, VHM, VNM, SAB… nếu nâng lô tối thiểu lên 1.000 đơn vị, một lệnh mua các nhà đầu tư phải bỏ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Số tiền này tương đương với 2 cây vàng hiện nay, thậm chí 4 cây vàng nếu muốn mua VCF (243.500 đồng/cp) hay RAL (211.600 đồng/cp).
Mỗi một lệnh mua những cổ phiếu cơ bản có thể có giá trị tới vài cây vàng nếu nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu. |
Ở mức giá thấp hơn như VCB, BVH, MSN…cũng đều có thị giá từ 50.000 đồng/cp trở lên tức là số tiền nhà đầu tư cần có để tham gia giao dịch các cổ phiếu này cũng trên dưới 1 cây vàng.
Có ý kiến cho rằng, việc cần một số tiền quá lớn chỉ để mua được một lô chẵn tối thiểu sẽ gián tiếp đưa những cổ phiếu chất lượng ngày càng xa tầm tay của các nhà đầu tư, thu hẹp sự lựa chọn của họ khi tham gia thị trường.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay đang được hỗ trợ rất lớn từ dòng tiền của các nhà đầu tư F0, mà trong số này không phải ai cũng có hàng trăm triệu đồng để đầu tư chứng khoán.
Thậm chí, trên một diễn đàn của các nhà đầu tư chứng khoán, có nhà đầu tư phải thốt lên rằng “HoSE nói rằng nâng lô để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, vậy bảo vệ bằng cách nào? thay vì tiếp cận tới các cổ phiếu chất lượng thì những người vốn ít chỉ có thể lựa chọn cổ phiếu “trà đá”, trong khi hàng ngày vẫn ra rả cảnh báo về rủi ro mất tiền là rất cao nếu lựa chọn những cổ phiếu này. Vậy còn đâu niềm tiên vào thị trường?”.
Nhà đầu tư này cũng cho biết thêm, trong khi mùa ĐHĐCĐ, chia cổ tức đang đến gần thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được thực hiện thế nào? Giả sử nhà đầu tư được lĩnh 999 cổ phiếu VNM với trị giá gần 100 triệu đồng và không được phép giao dịch lô chẵn, buộc phải bán lô lẻ với giá thấp, thậm chí không bán được thì bảo vệ nhà đầu tư ở đâu?
Bài học nhãn tiền
Trước những phản hồi tiêu cực từ các nhà đầu tư, mới đây trên trang Facebook của ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI đã lên tiếng cho rằng, giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ, thị trường sẽ dừng hoạt động.
"Giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì trước khi đưa hệ thống mới vào vận hành. Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển của hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều”, Chủ tịch SSI chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay lập tức, các nhà đầu tư cũng nhanh chóng phản hồi lại dưới chia sẻ của người đứng đầu công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất hiện nay cho rằng, trong lịch sử phát triển 20 năm qua, hệ thống đều đặn thu phí của các nhà đầu tư tại sao không nâng cấp hệ thống để đến lúc “nước xa không cứu được lửa gần” thì lỗi do ai?
Dẫn chứng thêm quan điểm của mình các nhà đầu tư đưa ra so sánh, trên sàn HoSE có hơn 400 cổ phiếu đang được giao dịch trong khi hệ thống chỉ xử lý được 900.000 lệnh/ngày. Trong khi đó, tại HNX lượng cổ phiếu chỉ có hơn 350 nhưng lại có giới hạn lên tới 20-30 triệu lệnh/ngày.
Nhìn chung, trước mỗi một quy định mới có khả năng được áp dụng luôn xảy ra những tranh cãi giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, khi chính thức có hiệu lực thì các thành viên tham gia đều phải tuân thủ.
Thế nhưng, có một bài học chỉ mới đây thôi là việc nâng lô lên 100 cổ phiếu được áp dụng từ ngày 4/1/2020 cũng được đánh giá là sẽ giảm tải cho hệ thống giao dịch một lượng tương đối. Tuy nhiên, kết quả lại đi ngược với kỳ vọng khi gần như không có sự thay đổi nào, thậm chí tình trạng "đơ" còn xảy ra thường xuyên hơn, gây mất niềm tin thị trường.
Chị Đỗ Nhật Quyên (Hà Nội) cho biết: “Mấy lần tôi định đăng ký mở tài khoản chứng khoán mà cứ đọc tin nghẽn giao dịch liên tục mà thấy oải, thị trường mới có 15.000 tỷ đồng giao dịch mà đã vậy, hỏi lên chút nữa thì không biết làm sao”.
Thực tế, bên cạnh việc nâng lô giao dịch, nhiều biện pháp ngắn hạn cũng được cơ quan quản lý đưa ra để giải quyết tình trạng quá tải của HoSE nhưng có lẽ giải pháp duy nhất lúc này là vận hành hệ thống giao dịch mới càng sớm càng tốt bởi “nước đã đến chân" thị trường chứng khoán rồi.
Minh Khuê