Chưa khi nào thị trường chứng khoán lại liên tục xảy ra nghẽn lệnh cục bộ thường xuyên như thời gian gần đây. Bắt đầu xuất hiện từ một số phiên trong nửa cuối tháng 12/2020 và ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong những phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán 2021.
Hiện tượng này xuất hiện tại các phiên giao dịch đạt ngưỡng thanh khoản 14.000-17.000 tỷ đồng. Sự bất ổn của hệ thống khiến nhà đầu tư phải chịu "thiệt đơn, thiệt kép" và bắt buộc phải “sống chung” một cách đầy bức xúc.
Nhà đầu tư “kêu trời”
Lang thang trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán, cụm từ “ lại rút phích điện” đang trở thành đề tài nóng bàn luận. Theo ý kiến của các nhà đầu tư, trong khoảng một tháng nay các lệnh đặt mua sau 13h30 hoặc 14h thường xuyên rơi vào trạng thái “chờ” vì nghẽn, lệnh không đẩy lên sàn được.
Cụ thể, các phiên giao dịch trên sàn HoSE khi bước qua ngưỡng 13.000 tỷ đồng thanh khoản và vào vùng 14.000 tỷ đồng thì tình trạng sàn HoSE chậm nhận lệnh, trả kết quả chậm lại diễn ra. Trầm trọng hơn là hiện tượng bảng điện tử nhảy loạn nhịp, sàn HoSE tiếp nhận lệnh từ sàn thành viên một cách nhỏ giọt hoặc không nhận.
Thị trường chứng khoán liên tục thăng hoa trong những phiên giao dịch của năm mới nhưng "căn bệnh" nghẽn lệnh thì ngày càng trở nặng. |
Điều này diễn ra thường xuyên ngay cả khi HoSE đã thực hiện nâng lô tối thiểu trên HoSE lên 100, được cho là sẽ giảm tải được 30% lượng giao dịch.
“Nghẽn lệnh mua bán cổ phiếu đã làm cho nhà đầu tư thiệt hại vô kể, khi giá lên cao bán không được khi giá chạm đáy mua không được, lại mất công ngồi chờ, mắt chăm chăm nhìn vào màn hình ảnh hưởng đến sức khỏe. Quá chán nản!”, nhà đầu tư Quang Lộc (Hà Nội) than phiền.
Theo quan sát của các nhà đầu tư, nếu hết phiên sáng mà giá trị giao dịch trên HoSE chạm mốc 13.000 tỷ đồng trở lên, buổi chiều chắc chắn nghẽn lệnh bởi giá trị giao dịch khớp lệnh tối đa của HoSE hiện quanh 17.000 tỷ đồng /ngày.
Do đó, để “né” hiện tượng này, những ngày gần đây nhà đầu tư thường đẩy mạnh giao dịch vào phiên sáng, còn buổi chiều chỉ... ngồi ngắm bảng.
Thực tế, việc lỗi hệ thống của HoSE đã không còn quá xa lạ với các nhà đầu tư. Thế nhưng, khi “căn bệnh” trở nên nan y, chắc chắn sẽ gây ra hệ lụy làm giảm sự gia tăng của dòng tiền bởi lúc này thị trường không những không phản ánh đúng thanh khoản và cung cầu mà còn khiến tâm lý nhà đầu tư “cụt hứng”.
Đáng nói là sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng khi sự việc diễn ra cả tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới thừa nhận "năng lực hệ thống giao dịch của HoSE giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán" cũng khiến các nhà đầu tư mất niềm tin.
Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là đưa thị trường chứng khoán gần với người dân, trở thành kênh đầu tư chính luôn được đưa lên hàng đầu.
Năng lực hệ thống vẫn là yếu tố quan trọng
Theo thông tin từ HoSE, công suất thiết kế hệ thống giao dịch của sàn này đạt khoảng 900.000 lệnh/ngày. Trong đó, mỗi công ty chứng khoán thành viên được phân bổ đều nhau 3.000 lệnh dự trữ mỗi ngày, phần còn lại được phân bổ dựa trên số lượng lệnh bình quân của từng công ty chứng khoán thành viên trong quá trình giao dịch.
Trường hợp sàn HoSE hoạt động hết công suất, hệ thống quá tải không thể xử được thêm, các lệnh vào sau đó sẽ bị tồn đọng.
Theo ông Lê Hải Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên HoSE, khi xây dựng hoặc nâng cấp năng lực hệ thống giao dịch, mức dự phòng thông thường chỉ gấp 3 lần nhu cầu dự tính để đạt mục tiêu an toàn và hiệu quả trong bài toán tổng thể đầu tư. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường tăng đột biến trong thời gian gần đây là điều khó lường trước được, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị nghẽn một cách bất khả kháng.
Để khắc phục nhược điểm cũng như chào đón lượng tiền mới đang liên tiếp đổ vào thị trường thông qua hàng chục nghìn tài khoản được mở mới mỗi tháng, UBCKNN cho biết, đang đẩy nhanh triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX).
Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống sẽ được thử nghiệm vào quý I/2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác triển khai hệ thống mới có sự chậm trễ, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm nay mới có thể đi vào hoạt động và nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn sẽ khó kiểm soát được tiến độ.
Câu hỏi đặt ra lúc này là từ nay đến lúc đó, giao dịch cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục phải chịu cảnh “tắc đường”?
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh- Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect, để thực hiện nhanh nhất trong việc khắc phục tạm thời vấn đề quá tải của hệ thống giao dịch ở HoSE, nhất là trong khi chờ triển khai hệ thống công nghệ mới cho toàn thị trường. Cơ quan quản lý nên xem xét ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để một bộ phận các doanh nghiệp đang niêm yết ở HoSE có thể nhanh chóng tạm thời chuyển sang niêm yết và giao dịch ở HNX.
Đây cũng được xem là bước đi phù hợp với Quyết định 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange) của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 20/2/2021.
Cũng có ý kiến cho rằng, để tình trạng “tắc đường” không xảy ra, có thể tiếp tục nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 đơn vị hoặc rút ngắn thời gian giao dịch về chỉ còn một phiên sáng.
Tuy nhiên, dù là giải pháp nào thì cũng chỉ là tạm thời, điều cần thiết lúc này phải làm là nâng cao nội lực của hệ thống, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay việc để hệ thống “lỗi thời” sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thị trường.
Minh Khuê