Theo đó, Novaland sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ một số trường hợp khác theo quy định.
Tiền thu được sẽ ưu tiên sử dụng để đầu tư góp thêm vốn vào công ty con để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty con. Hoặc thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư, hoặc thanh toán các khoản thuế và các khoản phải nộp. Số tiền còn lại để bổ sung vốn lưu động của công ty/công ty con.
Cổ đông Novaland thông qua loạt phương án phát hành cổ phiếu. (Ảnh: Int) |
Bên cạnh đó, Novaland sẽ phát hành thêm tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 60% (số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành/số lượng cổ phiếu đang lưu hành) theo phương thức thực hiện quyền mua.
Giá chào bán của cả hai đợt phát hành trên đều ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cp và dự kiến thực hiện trong năm 2024 hoặc theo quyết định của HĐQT.
Đối với số tiền thu được từ cổ đông hiện hữu, Novaland vẫn sẽ ưu tiên tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty, sau đó đến thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên, thanh toán chi phí vận hành chung của công ty/công ty con, hoặc góp vốn vào công ty con, và cuối cùng là thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, cổ đông Novaland cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2022 và 2023 nhằm mục đích thu hút nhân tài và sự gắn kết lợi ích của người lao động. Đối tượng phát hành của các đợt này dành cho thành viên HĐQT, người lao động của Novaland và công ty con theo danh sách do HĐQT phê duyệt.
Số lượng cổ phiếu phân phối cho từng đối tượng sẽ do HĐQT quyết định, và đạt tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của Novaland tại thời điểm phát hành với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp do HĐQT phê duyệt. Đợt phát hành ESOP năm 2022 dự kiến chậm nhất đến hết quý II/2024, ESOP năm 2023 khả năng sẽ đến hết năm 2024 hoặc theo quyết định của HĐQT, đồng thời số cổ phiếu này cũng bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm.
Theo Novaland, số tiền thu về được từ các đợt chào bán sẽ được Novaland ưu tiên dùng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Đáng chú ý, sau khi Novaland công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh và thay thế các phương án phát hành cổ phiếu đã được thông qua trước đó, cổ đông lớn đã có động thái bán ra cổ phiếu NVL.
Cụ thể, CTCP Novagroup đăng ký bán hơn 2,2 triệu cổ phiếu NVL của công ty con Novaland từ ngày 28/12/2023 đến ngày 10/1/2024. Mục đích là cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ, ước tính mang về hơn 37,3 tỷ đồng nếu bán hết số lượng đăng ký. Theo đó, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm về 19,49%. Novagroup vẫn là cổ đông lớn nhất và có mối quan hệ với gia đình ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland.
Với lý do tương tự, Diamond Properties - một cổ đông khác có liên quan đến ông Nhơn, đăng ký bán gần 4,8 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 19/12/2023 đến ngày 9/1/2024, mục đích nhằm cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ. Phương thức giao dịch dự kiến là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.
Nếu giao dịch thành công, Diamond Properties có thể thu về khoảng 80 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại Novaland sẽ giảm từ 9,23% về 8,99% vốn điều lệ, tương đương 175,3 triệu cổ phiếu.
Hiện tại, nhóm cổ đông liên quan đến ông Nhơn chỉ còn nắm giữ chưa đến 42% vốn tại Novaland. Con số này sẽ còn giảm xuống nếu hai cổ đông lớn trên hoàn tất các giao dịch đã đăng ký.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên ngày 29/12/2023, thị giá cổ phiếu NVL đạt 17.050 đồng/cp, tăng gần 23% so với hồi đầu năm.
Châu Anh