![]() |
Nhà đầu tư cần lưu ý trong việc giải ngân để có thể cơ cấu danh mục hợp lý khi dòng tiền liên tục xoay vòng. (Ảnh: Int) |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm nhiệt trở lại khi hầu hết đóng cửa trong sắc đỏ. Trong rổ VN30, một vài mã trong nhóm này đã quay lại gây áp lực lên chỉ số như VPB, TCB, STB, ACB, MBB, TPB, CTG; tuy nhiên sự khởi sắc trở lại của HPG, MSN, SSI, MWG, VNM giúp chỉ số VN30 đóng cửa chỉ giảm nhẹ 2,44 điểm (-0,16%). Sau phiên giảm 8 điểm trước đó, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng trở lại 4,04 điểm (+0,28%) nhờ động lực tích cực từ BID và SHB.
Nhóm chứng khoán trở thành tâm điểm của thị trường với hầu hết các mã trong nhóm tăng mạnh. Các mã có dư mua trần vào cuối phiên bao gồm CTS, VND…, các mã MBS, SHS tăng quanh 6%; riêng các mã đầu ngành như SSI, VCI, HCM đều ghi nhận mức tăng cũng rất tốt từ 3-5% điểm.
Chỉ số VNMidcap nhận được tác động tích cực nhất từ mức tăng 6,92% của GEX, VCI và HCM ở nhóm Chứng khoán cùng với NLG và DIG ở nhóm Bất động sản cũng là 4 mã cổ phiếu tạo động lực cho chỉ số này đi lên trở lại khi đóng cửa với mức tăng 1,15%. Tương tự, các mã FTS, DPG, IJC, TVS, NKG, LDG diễn biến tích cực trở lại giúp chỉ số VNSmallcap tăng 1,18% sau phiên điều chỉnh mạnh trước đó. Giá dầu điều chỉnh mạnh tác động tiêu cực lên nhóm Dầu khí.
Giá trị giao dịch trên HoSE giảm lại về còn 26,4 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Khối ngoại giao dịch tương đối cân bằng với giá trị bán ròng nhẹ -74 tỷ đồng trên sàn này.
Ở góc nhìn kỹ thuật, Công ty chứng khoán SHS dự báo, thị trường hồi phục trở lại với thanh khoản khá cao cho thấy lực cầu mua lên vẫn là tương đối tốt và dòng tiền vẫn đang xoay vòng. Kỳ vọng thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến các mốc cao hơn trong thời gian tới. Trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.450 điểm.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), cơ hội vẫn không ở nhóm VN30 mà quay lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đáng chú ý là dòng tiền liên tục xoay vòng, từ nhóm bất động sản sang nhóm ngân hàng, chứng khoán,… và rất có thể là tiếp tục đến nhóm dầu khí, cảng biển, vật liệu xây dựng. Điều đó cho thấy dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) lưu ý, nhìn chung thị trường vẫn sẽ cần thêm thời gian tích lũy để thiết lập mặt bằng giá mới, song cũng không loại trừ khả năng xu hướng giảm có thể quay trở lại trong những phiên tới. Theo đó, nhà đầu tư nên tập trung giao dịch các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn ở các ngành mang tính "dẫn sóng" trong giai đoạn này như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,... cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn tiếp tục quan sát thêm một vài phiên tới để chờ đợi mức độ biến động trên thị trường giảm xuống và tạm thời chưa nên gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu tại thời điểm hiện tại.
Tương tự, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, VN-Index và VN30 có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.464 điểm và 1.536 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục phân hóa và liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, rủi ro ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có dấu hiệu gia tăng, nên các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục và vẫn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị, dòng tiền đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu sẽ giúp VN-Index tiếp tục thử thách lại vùng 1.450-1.460 điểm và có cơ hội tiếp tục đi lên. Do đó, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục chiến lược và kỳ vọng vào nhịp tăng của thị trường. Tuy nhiên, cần cơ cấu danh mục hợp lý, tiếp tục đẩy mạnh chốt lời đối với các cổ phiếu đã tăng cao trong thời gian gần đây và đang chịu áp lực cản để bảo toàn thành quả và tìm kiếm cơ hội khác hợp lý hơn.
Một số mã cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: TNG (CTCP Đầu tư và Thương mại TNG); VTP (Viettel Post); BSR (CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn) và ANV (Công ty cổ phần Nam Việt).
H.Giang