![]() |
VN-Index có khả năng kiểm tra lại đỉnh 1.420 điểm. (Ảnh: Int) |
Bất chấp nỗ lực kéo giá lên của ngành ngân hàng, VN-Index kết phiên (3/11) giảm 8,16 điểm (-0,56%) với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE đạt 41 nghìn tỷ đồng, +50% so với phiên trước đó và cao nhất trong lịch sử.
Thị trường phân hóa rõ nét, chỉ số VN30 tăng 9,3 điểm (+0,61%) cùng với giá trị giao dịch tăng 66%. Trong đó có 13 mã đóng cửa với sắc xanh và 15 mã giảm. Đáng chú ý, các mã Ngân hàng trong rổ đều tăng điểm và đóng góp chính cho sự nâng đỡ một phần của chỉ số như TCB, VPB, STB, HDB, ACB, MBB,… Đồng thời, nhóm Ngân hàng cũng là nhóm duy nhất đồng loạt đi lên trong phiên.
Tại nhóm vốn hóa thấp hơn, cung chốt lời diễn ra mạnh mẽ. Chỉ số VNMidcap giảm 1,6% với giá trị giao dịch tăng từ 9,2 nghìn tỷ đồng lên 13,8 nghìn tỷ đồng. Chỉ số VNSmallcap giảm mạnh 3,6% với giá trị giao dịch tăng lên 8,6 nghìn tỷ đồng.
Sau chuỗi thời gian tăng nóng, nhóm Bất động sản đã có phiên điều chỉnh mạnh nhất. Trong đó, VHM, NVL, DIG, DXG, NLG, HDC… chịu sức ép giá thấp và giảm rất mạnh. Nhóm Khu công nghiệp và nhóm Xây dựng cũng có cùng diễn biến với nhiều mã giảm kịch sàn. Phân bón, Thủy sản, Dệt may… cũng nằm trong diễn biến điều chỉnh chung
Điểm tích cực là khối ngoại quay lại mua ròng trong phiên hôm nay với giá trị 280 tỷ đồng trên HoSE sau nhiều phiên bán ròng.
Trong bối cảnh đó, Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, diễn biến của thị trường hôm nay vẫn còn dư địa tăng trưởng, song rất có thể nhịp chỉnh sẽ kéo VN-Index về vùng hỗ trợ 1.400-1.420 điểm rồi quay lại xu hướng tích cực.
Tương tự, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, thị trường hiện có số mã giảm nhiều gấp đôi số mã tăng cùng thanh khoản cao đột biến với 15/19 ngành giảm điểm. Nếu trong thị trường tiếp tục giảm điểm với thanh khoản lớn, VN-Index có khả năng quay lại test vùng đỉnh cũ 1.420 điểm.
Trên góc nhìn kỹ thuật, Công ty chứng khoán SHS cho rằng, tuy giảm điểm nhưng VN-Index vẫn giữ được vùng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm nên khả năng để hồi phục trong phiên hôm nay là có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì thị trường có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm để tìm kiếm lực cầu.
Trong bối cảnh đó, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và VN-Index có thể sẽ kiểm định mức 1.420 điểm. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể dẫn dắt đà tăng của thị trường. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và giảm dần tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lưu ý, mức độ phân hóa mạnh có thể vẫn diễn ra nên các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu mua mới cũng như sự chốt lãi các cổ phiếu đang có tín hiệu đảo chiều. Bên cạnh đó, áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu, khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh ngắn và kiểm tra lại vùng hỗ trợ gần 1.425 điểm. Tuy nhiên, xu thế chính của VN-Index vẫn chưa có tín hiệu thay đổi mà đang chuyển sang trạng thái thăm dò.
Một số cổ phiếu được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: KDC (CTCP Tập đoàn Kido), OCB (Ngân hàng TMCP Phương Đông), GVR (Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam – CTCP), GAS (Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP) và VHC (CTCP Vĩnh Hoàn).
H.Giang