Theo ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nếu như năm 2020 và nửa đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 là lý do để thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên, thì nay lý do đó không còn phù hợp nữa. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ kiểm soát được dịch bệnh, ổn định và phục hồi nền kinh tế mới giúp thị trường chứng khoán có điểm tựa để đi lên.
Không còn chỗ dựa
Trước đó, tiếp nối đà hồi phục từ tuần cuối tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 đã ghi nhận mức tăng nhẹ cả về điểm số và thanh khoản. Yếu tố cản đà tăng của chỉ số Vn-Index chính là diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp với số cá nhiễm, số ca tử vong tăng cao tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Việc Chính phủ chấp nhận hi sinh kinh tế, siết chặt giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để “xanh hóa” vùng đỏ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình cảnh khó khăn, hao hụt lao động. Các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý III sụt giảm phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. |
Ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường chứng khoán tháng 9 sẽ đi vào vùng trũng thông tin khi kết quả kinh doanh quý II đã được công bố hết, còn quý III dự báo nhiều tiêu cực.
“Diễn biến dịch bệnh chắc chắn ảnh hưởng triển vọng kinh tế, các tổ chức dự báo đều đồng thuận tăng trưởng GDP ở mức 4,8%. Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào tình hình chống dịch và tiêm vắc xin. Theo kế hoạch thì hết tháng 9 sẽ tiêm được 80% vắc xin mũi 2 ở TP.HCM, như vậy, kinh tế quý III không mấy triển vọng mà phải đợi sang quý IV. Dịch bệnh có thể kéo dài nhưng các thành phố trung tâm sẽ được khống chế sớm hơn và kinh tế sẽ phục hồi dần từng phần”, ông Tuấn chia sẻ.
Đáng chú ý, báo cáo tháng 9 của Công ty chứng khoán VNDirect đã hạ mức dự báo tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) năm 2021 của các công ty niêm yết trên HoSE xuống mức 26%, so với dự báo trước đó là 30%.
Lý do được VNDirect đưa ra là vì triển vọng kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng dịch Covid-19 hiện tại.
Có cùng quan điểm, Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá kết quả kinh doanh quý III sẽ chịu tác động nặng nề trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài hơn 4 tháng với mức độ thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn.
Tương tự, SSI Research cho rằng, triển vọng thị trường trong ngắn hạn hiện đang ở trạng thái chưa được xác định rõ ràng, do vẫn chưa thể đánh giá hết những ảnh hưởng về mặt kinh tế của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cũng như thời điểm chính thức TP.HCM và các tỉnh phía Nam có thể quay trở lại các hoạt động giao thương bình thường.
Dòng tiền đổi hướng
Thực tế, đã có khá nhiều kịch bản cho tháng 9 được các nhà phân tích, công ty chứng khoán công bố với mẫu số chung là không mấy tích cực khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiền sẽ rời bỏ thị trường nhất là trong bối cảnh thiếu vắng các kênh đầu tư thay thế như hiện nay, mà xoay vòng giữa các nhóm ngành và cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội.
Theo ông Tuấn, dòng tiền trên thị trường đang luân chuyển khôn ngoan, đặc biệt là các dòng tiền lớn. Có thể thấy, triển vọng quý III khó khăn thì nhóm ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do nợ xấu tăng, dòng tiền rút khỏi nhóm ngân hàng, nhưng một số nhóm ngành khác lại đang hút vốn như điện, nước... Hay như nhóm cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục hút tiền vì ít bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cũng cho rằng dòng tiền đang có sự luân chuyển, ông Trần Trương Mạnh Hiếu- Trưởng nhóm phân tích chiến lược Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, các nhà đầu tư đang có xu hướng tập trung ở một số nhóm vốn hóa vừa (midcap) và penny, xoay quanh các mã này chủ yếu là có câu chuyện, có nền tảng cơ bản tốt.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi cổ phiếu midcap và penny thường sẽ tăng mạnh nhất trong xu hướng thị trường đi ngang. Trong đó, nhóm midcap khá đa dạng và bất kể thời điểm tăng nào thì đi kèm theo đó luôn là những câu chuyện riêng.
Dẫn ví dụ tại nhóm cổ phiếu bất động sản và nhà ở, đang được các nhà đầu tư khá quan tâm trong những phiên giao dịch đầu tháng 9, trước sự kỳ vọng lớn vào giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế sau khi dịch lắng xuống, nhưng tâm điểm quan tâm lại không nằm ở những mã top đầu mà ở các mã vốn hóa vừa và nhỏ như NLG, KHD, DIG, CKG…
Nhìn vào đây có thể thấy, quan điểm “không có cổ phiếu tốt nhất, chỉ có thời điểm tốt nhất” luôn đúng trong đầu tư chứng khoán, bởi có một thực tế là bất kỳ cổ phiếu nào trong ngắn hạn cũng xuất hiện những giai đoạn đầu cơ mạnh và mức độ đầu cơ lại phụ thuộc vào “vị thế” của cổ phiếu đó trên sàn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, đây không phải là thời điểm tốt để mua cổ phiếu vì rủi ro khá cao, cần các tín hiệu xác nhận xu hướng tăng trở lại. Dòng tiền ngắn hạn luân chuyển khá nhiều và cơ hội không chia đều cho tất cả, nhà đầu tư nên giữ cổ phiếu ở tỷ trọng an toàn, quan sát thị trường.
Minh Khuê