Với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, các chuyên gia dự đoán, trong khoảng 15 - 20 năm nữa, xe tự lái sẽ áp đảo các phương tiện đang thịnh hành hiện nay.
Trước mắt, theo ông Elon Musk - Giám đốc điều hành hãng Tesla Motor, các mẫu xe tự lái của hãng đang thử nghiệm có thể tự vận hành lên đến 90% thao tác mà không cần sự can thiệp của con người.
Công nghệ của tương lai
Tại Việt Nam, ngày 11/5, công ty phần mềm FPT (FPT Softwave) đã nộp đơn lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan chức năng để xin phép được vận hành thử nghiệm ôtô tự lái tại một số khu công nghệ cao (KCNC), khu công viên phần mềm trên cả nước.
"Ban đầu sẽ thử nghiệm trong các KCNC quận 9 (Tp.HCM), FPT City Đà Nẵng và FPT Hòa Lạc, sau khi đạt tiến độ tốt hơn sẽ thử nghiệm ra ngoài đường", đại diện FPT Software, cho biết.
Trước đó, từ năm 2016, FPT đã triển khai nghiên cứu về xe tự lái, đến 31/10/2017, FPT đã công bố chiếc xe hơi thử nghiệm công nghệ tự lái đầu tiên ở Việt Nam.
Hiện FPT đã và đang có xe điện chạy ở Đà Nẵng (có thể chạy vòng quanh F-Complex, FPT Software Đà Nẵng) và xe ôtô tự lái chạy quanh khu FPT Software Tp.HCM.
Các xe tự lái này có tốc độ di chuyển 20 - 25 km/giờ và đạt tốc độ 40 km/giờ ở trên đường thẳng, tự căn làn, rẽ theo vạch đường, tránh vật cản hoặc thắng gấp khi cần; đã có trên 1.000 giờ tự lái, không gây ra sự cố gì trong điều kiện thời tiết khác nhau như nắng, mưa, ánh sáng yếu….
Đại diện FPT Software cho biết với các chức năng hiện có, xe ôtô tự lái của FPT đang ở cấp độ 2 (trong 5 cấp độ theo công bố của Bộ Giao thông Mỹ) về xe tự lái. Ở cấp độ này, xe được tích hợp các chức năng tự lái như tự đánh lái và tăng giảm tốc độ, nhưng người lái xe vẫn phải tham gia vào nhiệm vụ lái xe và theo dõi môi trường giao thông mọi lúc.
Mục tiêu của FPT là 2 - 3 năm tới sẽ đạt cấp độ 3: Cần có người lái xe trên xe, nhưng không bắt buộc phải theo dõi giám sát. Ở cấp độ 5, xe có khả năng thực hiện tất cả các chức năng lái xe trong mọi điều kiện. Người lái xe có thể tùy chọn để điều khiển xe.
Bước đi này của Tập đoàn FPT đang mở ra triển vọng phát triển sử dụng xe tự lái "Made in Vietnam" tại nước nhà, trước khi thị trường màu mỡ này bị các "ông lớn"" như Tesla xâm chiếm.
Các xe tự lái này có tốc độ di chuyển 20 - 25 km/giờ và đạt tốc độ 40 km/giờ ở trên đường thẳng |
Việt Nam đã sẵn sàng?
Để sản xuất một chiếc xe ôtô tự lái, quan trọng nhất là phần mềm điều khiển, kết hợp với một loạt các công nghệ đi kèm như bản đồ được lập trình sẵn, radar, cảm biến laser và camera…
Những công nghệ này hiện không hề xa lạ với các doanh nghiệp công nghệ trong nước và tiềm năng cũng như trình độ của các doanh nghiệp Việt trong những mảng này không hề kém cạnh so với các nước khác.
FPT Software đang triển khai một số dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và automotive nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu. FPT đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ đạt doanh số 200 triệu USD cho mảng ôtô, bao gồm cả phần mềm, thiết kế, phân tích và thiết kế vi mạch.
Tập đoàn công nghệ này đồng thời cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 10% các phần mềm ôtô tự hành trên thế giới do FPT phát triển.
Tuy nhiên, để xe tự lái có thể vận hành được trên những con đường của Việt Nam, chúng ta cần phải thay đổi rất nhiều thứ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và ý thức giao thông của người dân.
Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định với tình trạng giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM hiện nay, dự kiến ít nhất phải 10 năm nữa thì xe tự lái mới có thể chạy trên đường phố.
PGs.Ts. Tạ Cao Minh - Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nhận định tình trạng xung đột giao thông tại Việt Nam đang ở mức nghiêm trọng và phải mất rất nhiều thời gian nữa xe tự lái mới có thể giải quyết được các xung đột này.
Do vậy, để xe tự lái có thể đi trên các tuyến đường, bên cạnh hoàn thiện về mặt công nghệ, cơ quan chức năng cần nâng cấp và cải tiến cơ sở hạ tầng đường sá, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông chuẩn và đèn tín hiệu.
Ngoài ra, để sử dụng và tương tác với ôtô tự lái, tránh xảy ra tai nạn trên đường đòi hỏi người tham gia giao thông phải thay đổi thói quen đi đường, hành vi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, mặt khó nhất để xe tự lái có thể vận hành trên đường phố Việt Nam lại là quy chuẩn pháp luật, như việc xảy ra tai nạn thì rất khó xác định lỗi thuộc về người ngồi trên xe hay không.
Hồng Nhung