Theo báo cáo mới công bố của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), các quốc gia châu Á đang vượt qua Mỹ trong việc hỗ trợ sự phát triển công nghệ xe không người lái. Tại Mỹ, việc chính sách chưa theo kịp thị trường đã và đang cản trở quá trình triển khai sản phẩm này.
Châu Á sốt sắng và quyết liệt
Toyota Motor, General Motors và Tesla cùng các công ty công nghệ như Alphabet và Baidu đã chi hàng tỷ USD và đăng ký hàng ngàn bằng sáng chế để phục vụ sản xuất những chiếc xe có mức độ tự động hóa khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là xin được giấy phép tự động Cấp 5 (ôtô không cần vô-lăng).
Chính phủ nhiều nước trên thế giới muốn doanh nghiệp trong nước tham gia vào cuộc đua phát triển xe tự lái, nhưng lại ngần ngại khi đụng đến vấn đề cho phép lưu thông trên đường, vì dù sao đây cũng là công nghệ còn non trẻ.
Chuyên gia BNEF cho rằng yếu tố văn hóa và chính trị khiến quá trình xây dựng khung pháp lý đạt được những tiến triển khác nhau, song phải thừa nhận rằng các nước châu Á nói chung rất tích cực trong việc tạo điều kiện cho xe tự lái tham gia giao thông công cộng.
Hàn Quốc, không ồn ào nhưng rất quyết liệt, đã lên kế hoạch đưa sản phẩm xe tự hành vào kinh doanh thương mại kể từ năm 2020. Theo BNEF, quốc gia này đã cho phép thử nghiệm trên 320 km đường và đang hỗ trợ xây dựng một tuyến thử nghiệm ở Hwaseong, phía nam Seoul, dự kiến có thể sử dụng ngay trong năm nay.
Hiện tại, hơn 40 chiếc xe của Hyundai, Samsung, Volkswagen, Đại học Quốc gia Seoul… đang được thử nghiệm trên đường phố công cộng ở Hàn Quốc. Xứ sở Kim chi tạo ấn tượng ban đầu về sự đủng đỉnh, nhưng hóa ra trên thực tế lại làm được rất nhiều việc.
Trong khi đó, Singapore cũng đang nhanh chóng triển khai chiến lược giúp giảm bớt các vấn đề giao thông. Nhiều cuộc thử nghiệm trên các con phố đã bắt đầu từ năm 2015 và quốc đảo này đang đẩy nhanh kế hoạch triển khai xe buýt không người lái.
Trung Quốc cũng không hề kém cạnh, khi mà tháng Tư vừa rồi đã ban hành dự thảo hướng dẫn thử nghiệm xe tự hành trên đường và đang rà soát để sớm đưa ra văn bản chính thức.
Công nghệ của những chiếc xe tự lái được coi là vấn đề cốt lõi đối với kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Một mẫu xe tự lái đang thử nghiệm tại trung tâm thử nghiệm của Singapore |
Châu Âu và Mỹ cố gắng theo sau
Trung Quốc muốn triển khai 30 triệu xe tự lái trong thập kỷ tới ở nhiều mức độ tự động hóa khác nhau, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và khuyến khích Baidu tạo ra một nền tảng tự lái có tên gọi Apollo.
Baidu đã công bố Quỹ Apollo trị giá 1,5 tỷ USD để đầu tư vào 100 dự án lái xe tự lái trong vòng 3 năm tới. Trung Quốc từng tuyên bố đặt mục tiêu một nửa trong số ôtô mới phải được tự động hóa ở mức độ nhất định vào năm 2020.
BNEF nhận định quốc gia đông dân nhất thế giới đang dồn toàn lực để vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Trong khi Trung Quốc dự kiến giao cho chính quyền địa phương quản lý hoạt động chạy thử nghiệm xe tự lái của doanh nghiệp, thì ở Mỹ chỉ có 17 bang và ở Canada chỉ có hai thành phố (Ontario và Quebec) cho phép thử nghiệm trên đường phố.
Một phần lý do là cả Mỹ và Canada về cơ bản có sự tách biệt quyền lực giữa chính phủ liên bang và chính quyền bang hoặc thành phố, khiến doanh nghiệp kẹt ở giữa không biết mình được làm gì, không được làm gì.
BNEF nhận định việc Đạo luật Xe tự hành của Mỹ sẽ sớm được thông qua sau khi Thượng viện hoàn tất quá trình rà soát có thể tạo cú hích tại tất cả các tiểu bang. Hiện nay, có đến 18 bang ở Mỹ không có bất kỳ quy định nào liên quan đến xe tự lái.
Ở châu Âu, Vương quốc Anh đang dẫn đầu trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm xe tự lái. Pháp và Israel thì chỉ cho phép thử nghiệm trên đường, tùy từng trường hợp cụ thể.
Đức đã cho phép thử nghiệm nhưng với điều kiện vẫn có tài xế trên xe (dù không cần điều khiển vô-lăng) và nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi hệ thống.
Hải Châu