Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cho biết tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, trong đó Hà Nội có 30 doanh nghiệp, Tp.HCM 23, Thanh Hóa 9, Bình Dương 6, Quảng Ninh và Hải Phòng có 5…
Điều đáng nói là trong số 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận thì có 5 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng sản xuất (chiếm 2,4%) và có 3 doanh nghiệp đã thu hồi giấy chứng nhận (do chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang địa bàn khác và không hoạt động thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp KH&CN).
Cần sự đột phá về cơ chế và chính sách cho doanh nghiệp KH&CNphát triển
Nhiều rào cản, DN không mặn mà
Nếu nhìn vào con số ít ỏi hơn 200 doanh nghiệp KH&CN trong cả nước như hiện nay khi mà lộ trình thực thi Hiệp định TPP và các FTA còn không xa là một thực tế rất đáng để báo động và mổ xẻ đến tận cùng.
Điều đó lý giải một phần nguyên nhân vì sao đến giờ này, xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô khiến giá trị gia tăng thấp, sản phẩm nội địa sản xuất ra có chất lượng kém xa hàng ngoại, còn doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thì phát triển như vũ bão với nhiều công nghệ mới.
Đánh giá chung của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Bộ KH&CN cho thấy doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam hiện nay chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hóa và công nghệ môi trường.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm KH&CN vẫn còn đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ chế biến sau thu hoạch, giống vật nuôi…
Tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015” do Bộ KH&CN tổ chức tại Tp.HCM ngày 25/11 vừa qua, giới chuyên gia công nghệ cũng chỉ rõ nguyên nhân chính việc số lượng doanh nghiệp KH&CN còn hạn chế là do cách hiểu về Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN chưa thống nhất.
Ở một góc độ nào đó, để nói về tình trạng “khiêm tốn” doanh nghiệp KH&CN có phần lỗi lớn từ các chính sách còn “đá” nhau của các cơ quan quản lý nhà nước. Bằng chứng là đến giờ các cơ quan quản lý vẫn chưa coi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là Giấy đăng ký hoạt động KH&CN của doanh nghiệp. Đó là chưa kể việc tiếp cận các ưu đãi vẫn yêu cầu doanh nghiệp KH&CN phải có Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.
Cần sớm gỡ vướng
Có một thực tế hiện này là khá nhiều doanh nghiệp dù mảng chính của mình là KH&CN nhưng vẫn thờ ơ với việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Nếu soi kỹ sẽ thấy những bất cập như các doanh nghiệp sản xuất phần mềm hoặc một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, với những điều kiện còn dễ dàng hơn so với doanh nghiệp KH&CN.
Nhưng không chỉ có vậy, phần lớn các doanh nghiệp KH&CN hiện nay có cơ sở hạ tầng để sản xuất, kinh doanh đầu tư có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp nên muốn mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm cũng khó khăn. Và ngay bản thân doanh nghiệp còn chưa hoàn toàn tin tưởng vào tính hiệu quả của sản phẩm mình nên hoạt động nghiên cứu công nghệ chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định.
Trong khi đó, sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp nội khi đưa ra thị trường chưa chắc đã được chào đón vì giá thành cao, chưa đạt chuẩn và thiếu tính năng ưu việt như sản phẩm công nghệ nước ngoài.
Về phía các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tại các trường đại học chưa thật sự mạnh dạn phát triển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hoàn chỉnh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chưa có nhiều doanh nghiệp KH&CN.
Tháng 7/2012, trong Quyết định số 1244/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 – 2015 có nêu rõ một trong những mục tiêu cụ thể là phát triển 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành từ các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm khoảng 70%.
Như vậy, với con số tồn tại chỉ vỏn vẹn hơn 200 doanh nghiệp KH&CN trong cả nước, rõ ràng mục tiêu này đã “phá sản” dù các chính sách, công cụ hỗ trợ, ưu đãi không phải thiếu.
Điều đáng nói là với việc ra đời các Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ cũng không thể giúp gì nhiều trong việc gia tăng số lượng doanh nghiệp KH&CN. Vấn đề cốt lõi ở chỗ nói và làm về KH&CN là hai chuyện khác nhau, giữa những kế hoạch, mục tiêu trên giấy và thực tế hoàn toàn khác xa.
Điều đó cho thấy, nếu muốn gỡ vướng, gia tăng số lượng doanh nghiệp KH&CN đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan đến KH&CN cần sớm ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, thay đổi cách làm, làm sao để có sự đột phá về cơ chế và chính sách thì khi ấy doanh nghiệp KH&CN mới có cơ hội cất cánh.
Thế Vinh