Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 với mục tiêu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được xem như kim chỉ nam để Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghệ số hàng đầu khu vực và thế giới.
Nghị quyết chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số. Đến năm 2045, khoa học và công nghệ sẽ trở thành động lực chủ yếu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được các chuyên gia, doanh nghiệp ví như "đòn bẩy" cho sự vươn lên của Việt Nam. |
Nhiều cơ hội cho Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số lần thứ VI, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đã khẳng định: “Ngày xưa khi Acsimet nói rằng, nếu cho tôi một điểm tựa tôi có thể bẩy cả thế giới. Tôi nghĩ Nghị Quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng, phồn vinh”.
Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng, bối cảnh hiện tại mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam.
Thứ nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi cách thức vận hành của toàn bộ nền kinh tế, trong đó các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, mâu thuẫn địa chính trị toàn cầu đã tạo điều kiện để nhiều tập đoàn quốc tế rút khỏi Trung Quốc và chuyển giao công việc, công nghệ, thậm chí cả đội ngũ nhân sự dày dạn kinh nghiệm cho Việt Nam. Nhờ vậy, Việt Nam đã rút ngắn đáng kể khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển.
Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh rằng để tận dụng cơ hội này, đất nước cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, tận dụng hiệu quả: “Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về CNTT, chúng ta cần phải thay đổi. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến”.
FPT đã xác định ba trọng tâm chiến lược nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57, bao gồm đầu tư vào công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, ô tô thông minh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. “Chúng tôi hiện có 12.000 kỹ sư làm về AI. Chúng tôi cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 vạn kỹ sư AI, đồng thời tham gia đào tạo chuyển đổi 500.000 kỹ sư CNTT sang lĩnh vực AI”, ông Bình cho biết.
Tập đoàn này cũng cam kết tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, để trong 5 năm tới Việt Nam là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực.
Hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược
Nghị quyết 57 không chỉ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn mà còn vạch rõ con đường dài hạn để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel, nhận định rằng Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng và giải pháp thực hiện toàn diện.
Trong đó, một số chính sách đột phá đã được đưa ra nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” lớn của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua. Các cơ chế này bao gồm: thí điểm cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài và đặc biệt là cơ chế đặc thù thu hút nhân tài quốc tế về Việt Nam làm việc.
Ông Thắng nhấn mạnh rằng để thực hiện thành công Nghị quyết 57, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước thông qua các cơ chế cụ thể.
Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: 'Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo'.
"Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp", ông Thắng nói.
Đại diện Tập đoàn Viettel kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật; hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Dù có thể thất bại, những dự án này vẫn mang lại những bài học quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.
Ông Thắng cũng đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược. Quỹ này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng… tránh việc phân bổ dàn trải làm giảm hiệu quả đầu tư.
Cuối cùng, đại diện Viettel đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam, cho rằng đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
"Tổng Bí Thư đã phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp vừa và nhỏ rằng, không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ. Các nhà cung cấp thiết bị lớn cũng khởi đầu từ quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu, phát triển rất lớn", Thiếu tướng Tào Đức Thắng nói, đồng thời cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Tuy nhiên không thể cạnh tranh được về giá thành với doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ.
Do vậy, Viettel đề xuất Nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Đỗ Kiều