Thời gian gần đây, hai "ông lớn" bán lẻ trực tuyến của thế giới là Amazon và Alibaba đã triển khai các chương trình tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam thiết lập các gian hàng thông qua mạng lưới bán lẻ của họ.
Cơ hội lớn
Mới đây nhất, Alibaba.com đã "bắt tay" với Fado.vn (sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới của Việt Nam) để giúp các công ty vừa và nhỏ chưa có đủ nhân sự xuất khẩu (XK) chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm, chưa am hiểu thị trường nước ngoài có thể chủ động chào hàng ra thị trường các quốc gia khác thông qua các gian hàng của tập đoàn này.
Trước đó, Amazon cũng tổ chức nhiều chương trình nhằm "chiêu mộ" các DNVVN tham gia mạng lưới bán hàng của mình. Ông Gijae Seong, Giám đốc Phát triển bán hàng toàn cầu Amazon Global Selling Đông Nam Á và Australia, cho hay doanh thu năm 2017 của Amazon là hơn 200 tỷ USD với 300 triệu người mua hàng. Tham vọng của Amazon là giúp các DN Việt Nam có thể ngồi tại Việt Nam bán hàng qua Mỹ, châu Âu mà không cần tới văn phòng.
"Chúng tôi sẽ cho phép người bán, cá nhân tham gia vào mạng lưới bán lẻ của Amazon, cái đó gọi là bán hàng toàn cầu. Trong một vài năm tới, bán hàng xuyên biên giới kỳ vọng phát triển 20-30% mỗi năm", ông Gijae Seong dự báo.
Năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dự kiến sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ DNVVN tăng cường năng lực XK thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến. Điều này sẽ mở ra cơ hội XK, đặc biệt với các sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng…
Hơn ai hết, DN là người hiểu rõ nhất những cơ hội khi XK trực tuyến. Công ty Lavifood (chuyên XK trái cây), cho biết đã hoàn tất quá trình đàm phán với Amazon và các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu khác trên thế giới. Khoảng vài tháng nữa, các sản phẩm của Lavifood sẽ xuất hiện trên trang web của Amazon.
Bà Hân Nguyễn, đồng sáng lập và CEO Andre Gift Shop, cho biết doanh số từ Amazon đóng góp 70% vào doanh số bán hàng trực tuyến của công ty này trong năm 2018, tăng trưởng 70% so với năm 2017.
"Thị trường cho sản phẩm của chúng tôi ở nước ngoài lớn hơn nhiều so với ở Việt Nam. Chúng tôi quyết định bán hàng toàn cầu vì đó là điều bắt buộc để vươn ra toàn thế giới", bà Hân Nguyễn nói.
Ông Phạm Năng Duy, Giám đốc công ty Onbrand, cho hay nhiều sản phẩm thủ công làng nghề của Việt Nam như rổ đựng quần áo bằng cỏ biển, chén và muỗng dừa, kẹo dừa Bến Tre… chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện trên chợ thương mại điện tử (TMĐT) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới, doanh số bán hàng liên tục tăng.
Hiện nay, dù cơ quan chức năng và các sàn TMĐT lớn đang nỗ lực kéo các DN và cá nhân kinh doanh tham gia hình thức XK hàng hóa này nhưng mới có 1.000 DN tham gia trên Alibaba và khoảng 200 DN tham gia trên Amazon – quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DNVVN.
Thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, DN dệt may có thể bán hàng cho người tiêu dùng toàn cầu |
Doanh nghiệp thay đổi tư duy
Theo các chuyên gia, XK qua kênh TMĐT có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng, đặc biệt lợi nhuận có thể tăng gấp ba lần nếu so với XK theo cách truyền thống. Tuy vậy, DN Việt chắc chắn cũng gặp phải rất nhiều rào cản.
Đánh giá về thị trường cà phê đặc sản của Mỹ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho biết thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay và người canh tác cà phê ngày càng gia tăng, bỏ qua vai trò của thương gia trung gian.
Việc giảm bớt các khâu trung gian cũng làm tăng sự gắn kết giữa các nhà rang xay và người canh tác, từ đó đáp ứng nhu cầu về tâm lý của người tiêu dùng, đó là gắn việc uống cà phê với nguồn cung.
"Với sự thay đổi về thị hiếu tiêu dùng của thị trường tiêu thụ cà phê lớn và sự phát triển của internet, TMĐT, các nhà sản xuất cà phê của Việt Nam giờ đây được trao cơ hội lớn trong việc tiếp cận đến người tiêu dùng cũng như nhà bán lẻ, chế biến cà phê đặc sản", Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco kỳ vọng.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng để đạt được kết quả, điều quan trọng là DN Việt Nam phải thay đổi toàn diện phương thức sản xuất kinh doanh, XK.
Cần lựa chọn vùng sản xuất nơi có điều kiện khí hậu, độ cao, ánh sáng, độ ẩm, chất đất, nguồn nước và các yếu tố môi trường khác thuận lợi cho việc canh tác các loại cà phê có chất lượng cao, lựa chọn giống cũng như áp dụng kỹ thuật trồng trọt giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, quy trình chế biến cũng cần sử dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.
Các nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến môi trường lao động, đời sống công nhân, có trách nhiệm với cộng đồng, tìm hiểu, áp dụng và đạt được các chứng chỉ như Fair Trade, Organic, Rainforest Allliance/ UTZ Certified và 4C.
Hơn nữa, nguyên tắc bán hàng trên trang TMĐT xuyên biên giới thường khá khắt khe. Nếu hàng không đảm bảo chất lượng, DN Việt Nam chắc chắn sẽ bị khoá tài khoản, thậm chí bị khởi kiện.
Với kinh nghiệm là DN đang XK trực tuyến, bà Lê Minh Hồng Phúc, Giám đốc tác nghiệp công ty TNHH sản xuất thương mại I Am V (chuyên sản xuất, kinh doanh tỏi đen), kể từng gặp nhiều "đơn hàng ảo" khi bán hàng trên các sàn TMĐT.
Có lần một đối tác Trung Quốc đặt làm 15 tấn tỏi đen nhưng sau khi đàm phán xong hết các thỏa thuận, họ lại ngưng hợp đồng, không mua hàng nữa.
Đây là điều mà DN XK trực tuyến cần phải cẩn trọng. Chưa kể giao dịch trên các sàn TMĐT cạnh tranh giá rất gay gắt, nếu mình hạ giá thấp để có đơn hàng trên chợ TMĐT sẽ rất khó khi bán hàng trực tiếp vì khách hàng mua trực tiếp sẽ so sánh giá.
Bên cạnh đó, đại diện của Tập đoàn Alibaba cũng chỉ rõ DN Việt Nam khi tham gia XK trực tuyến thường thiếu kỹ năng chuyên nghiệp như tiếp cận, chăm sóc khách hàng, dẫn đến không tận dụng được hết các cơ hội. Chưa kể, DN Việt vẫn chưa biết cách khai thác và tìm được đối tác tại những quốc gia lệch múi giờ so với Việt Nam.
Mặt khác, điểm yếu của DN khi bán hàng trên sàn TMĐT nước ngoài còn là thiếu tìm hiểu các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, dịch vụ vận chuyển, thanh toán, cách đưa sản phẩm lên hệ thống sao cho hiệu quả.
Do vậy, bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến thương mại), cho rằng các DN Việt cần tuân thủ nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, các DN cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên các sàn TMĐT xuyên biên giới.
Lê Thúy
Ông Bernard Tay - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Amazon Global Selling Thông qua XK trực tuyến, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh XK những mặt hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ… Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có một cộng đồng DN khởi nghiệp hùng hậu, đây sẽ là cơ hội cho Amazon. Để tháo gỡ rào cản ngôn ngữ, vừa qua, chúng tôi đã ra mắt trang web bán hàng toàn cầu bằng tiếng Việt, ngoài ra còn tạo một trang Facebook bằng tiếng Việt. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Việc chọn tham gia bán hàng trên sàn TMĐT nào là tuỳ thuộc vào sản phẩm, định hướng kinh doanh của từng DN. Tuy nhiên, xu hướng TMĐT xuyên biên giới là tất yếu và ngày càng trở thành kênh quan trọng cho việc XK của DN. Cơ hội bán hàng của các nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam sẽ gia tăng. Nếu như các giao dịch trên Alibaba là cả container, mua bán trên Amazon là từng sản phẩm đơn lẻ. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Để đẩy mạnh XK, DN Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm và DN nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu. DN nên xem xét, tích cực tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm, các kênh báo chí, truyền hình, đặc biệt tận dụng cơ hội mà TMĐT và kỷ nguyên thương mại số mang lại nhằm giúp DN nắm bắt thời cơ, quảng bá và đẩy mạnh XK. |