Khi nhận định về tình hình tiêu thụ các sản phẩm trái cây chủ lực ở các tỉnh phía Nam từ đầu năm 2022 cho đến nay, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), có đề cập đến việc tăng chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đã tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây.
“Công sức bỏ ra rất nhiều nhưng lời lãi ít”
Đơn cử như giá phân bón hiện được cho là tăng cao nhất trong 50 năm qua, giá cả vật tư phân bón tăng cao sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư chăm bón. Theo Bộ NN&PTNT, chi phí phân bón chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Để đưa trái cây tươi XK vào các thị trường khó tính sẽ khó tránh chuyện đội giá thành vì chi phí rất cao. |
Theo ông Tùng, việc giảm chi phí đầu vào, bao gồm xăng dầu, vật tư, giống, chi phí sản xuất…là hết sức cần thiết trong lúc này. Muốn giảm được thì phải có sự thực hiện của từng nông dân một cách chi tiết trên mảnh vườn của mình.
“Về phía các cơ quan chuyên môn hay nhà khoa học chỉ khuyến cáo chung chung, còn thực hiện phải là nông dân, chứ không thể nói chúng tôi làm thế này với giá thành bao nhiêu đó, phải bán giá cao hơn mới có lãi. Như vậy sẽ rất là bất hợp lý khi mà thị trường tiêu thụ ngày càng gặp nhiều khó khăn”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, số liệu cập nhật mới đây cho thấy, xuất khẩu (XK) rau quả hồi tháng 5/2022 vừa qua đã giảm 11% so với tháng 5 của năm ngoái. Và nếu tính chung trong 5 tháng đầu năm nay thì kim ngạch XK rau quả chỉ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc sụt giảm kim ngạch XK giữa lúc gặp áp lực về việc tăng nhiều loại chi phí như chia sẻ của vị Phó cục trưởng Cục Trồng trọt rõ ràng là một thiệt thòi lớn cho ngành hàng rau quả vốn dĩ vẫn còn quen với việc XK trái cây tươi.
Các nhà XK trái cây tươi hàng đầu của Việt Nam cũng không giấu được áp lực về mặt chi phí. Như chia sẻ cách đây không lâu của ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Công ty TNHH Huy Long An (Long An) quanh chi phí XK chuối tươi.
Cụ thể, 1kg chuối XK với giá 17.000 đồng, trong đó phí đóng gói và bao bì khoảng 4.000 đồng, còn lại 13.000 đồng. Trước đây, cước vận chuyển chừng 4.000 - 5.000 đồng thì nay lên đến 8.000 đồng. Do đó, phí công ty chỉ còn 5.000 đồng cho 1kg chuối. Với giá phân bón tăng chóng mặt, việc sản xuất ra trái chuối đủ chuẩn XK với giá 5.000 đồng gần như là không thể.
Qua trao đổi với VnBusiness, một số DN chuyên XK trái cây tươi nói rằng lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng lớn vì nhiều chi phí khác không ngừng tăng cao, giá cước vận chuyển cũng tăng như vũ bão. Với áp lực chi phí quá lớn như hiện nay, “công sức của doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều nhưng lời lãi là rất ít”, thậm chí phải chịu lỗ.
Cần tìm kiếm thêm dư địa, nâng giá trị gia tăng
Còn theo giới chuyên gia, nhiều năm nay mức lợi nhuận bình quân của các DN trong lĩnh vực XK trái cây tươi chỉ khoảng 7% do họ phải ký hợp đồng XK với giá không đổi trong cả năm, trong khi giá nguyên liệu mua của nông dân thì thay đổi theo mùa.
Không chỉ vậy, để đưa trái cây tươi XK vào các thị trường khó tính là khó tránh chuyện đội giá thành vì chi phí rất cao, bao gồm chi phí đóng gói, vận chuyển (nhất là đường hàng không), chi phí chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, chi phí bảo quản…
Bên cạnh đó, những đánh giá cho thấy ở Việt Nam chi phí logistics của XK nông sản nói chung và ngành hàng trái cây nói riêng là rất cao, chiếm đến 30% giá thành. Trong khi đó, chi phí này ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ vào khoảng 14%, thậm chí như Thái Lan là 12,5%. Điều đó cũng phần nào làm giảm lợi thế XK trái cây tươi của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Điều mà các nhà XK lo lắng là cước phí vận tải tăng cao thường xuyên đang làm giảm sức cạnh tranh của trái cây tươi của Việt Nam. Đặc biệt ở một số thị trường lớn luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí), như vậy rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp (DN) Việt Nam gánh chịu.
Ngoài áp lực chi phí, vị Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cũng phàn nàn năng lực chế biến trái cây trong nước vẫn còn hạn chế, chủ yếu XK trái tươi. Và nếu gặp điều kiện khó khăn khi XK, khi đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.
Ông Lê Thanh Tùng cũng đề xuất Bộ NN&PTNT cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản. Và nhất là chú ý đến tăng chất lượng, giảm chi phí, chế biến sâu và phát triển thị trường.
Đặc biệt là cần xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên nền tảng logistics hiện đại. Hiện nay xu hướng là xây dựng các cụm logistics ở các vùng nguyên liệu. Tất cả các vấn đề phải giải quyết, bao gồm cả việc chứng nhận XK, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng nằm ở vùng nguyên liệu. Như vậy mới có thể tiết giảm được chi phí và tập trung cho việc tiêu thụ.
Ngoài ra, ngành hàng trái cây cần tìm kiếm thêm dư địa mới để nâng cao giá trị gia tăng trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, ông Tùng nhấn mạnh vấn đề cấp thiết là cần hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hoà với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.
Thế Vinh