Bàn về chuyện tư duy thương mại hoá đối với món ăn truyền thống là cà pháo lên men, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) - một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cho biết thách thức đầu tiên là người tiêu dùng sẽ thấy giá sản phẩm do công ty sản xuất sẽ cao hơn đáng kể so với sản phẩm cà pháo theo kiểu “tự làm ở nhà”.
Nhìn theo xu hướng thị trường
Theo ông Tuấn, giữa một mặt hàng nông sản thực phẩm “tự làm ở nhà” với một mặt hàng được sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại được đóng hộp với quy chuẩn đẹp là khác nhau hoàn toàn.
Với sản phẩm chế biến theo hướng công nghiệp tức là DN tự chịu trách nhiệm khi đưa ra thị trường, và đương nhiên phải đảm bảo 100% sản phẩm đó không có bất kỳ thiệt hại nào đến người tiêu dùng, mang tính an toàn, tiện lợi.
Các DN nhỏ làm nông nghiệp cần đặt câu hỏi làm sao có thể tạo ra được sản phẩm phù hợp với thị trường và bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới. |
Như chia sẻ của vị Tổng giám đốc này, thách thức với DN là luôn có, nhưng tin rằng trong tương lai nhu cầu mà người tiêu dùng sẽ hiểu được lợi ích của nông sản chế biến và bỏ ra số tiền nhất định để mua sản phẩm thay vì “tự làm ở nhà” vốn tốn kém thời gian.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng thách thức lớn với một công ty sản xuất cà pháo lên men là giới trẻ vốn dĩ không ưa chuộng món cà pháo. Tuy nhiên, khi tìm hiểu người tiêu dùng trẻ lại thấy họ rất thích món ăn có vị chua cay. Vì vậy, công ty nhắm đến xu hướng này nhằm chế biến ra sản phẩm mới đúng gu giới trẻ và vừa tốt cho sức khoẻ.
“Đó cũng là cách thức để vừa giữ gìn sản phẩm gia truyền và vừa nhìn theo xu hướng của thị trường. Chúng tôi đón nhận những thách thức như vậy nhằm phân tích xu hướng người tiêu dùng, xu hướng của đối tượng mà công ty phục vụ là ai”, vị Tổng giám đốc của Sông Hương Foods nói.
Còn theo chia sẻ của ông Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Khởi Minh Thành Công, việc chế biến sâu đối với DN trong mảng nông nghiệp là cực kỳ quan trọng.
Chẳng hạn, cũng là một loại trái cây như măng cụt hay trái xoài nhưng xu hướng hiện nay đã đa dạng hoá sản phẩm chế biến và tận dụng hết tài nguyên của sản phẩm đó. Song song đó là việc chế biến những sản phẩm nông sản phục vụ cho sức khoẻ, phục vụ cho mỹ phẩm và kể cả ứng dụng các công nghệ mới.
“Qua tham dự một hội chợ quốc tế thực phẩm hàng đầu châu Á được tổ chức mới đây ở Thái Lan thì tôi thấy nổi lên xu hướng sử dụng công nghệ sấy thăng hoa (freeze drying) - một kỹ thuật còn được gọi là “làm khô lạnh”, trong đó sản phẩm được sấy khô qua quá trình thăng hoa của nước dưới nhiệt độ và áp suất thấp. Công nghệ này hiện đang phát triển mạnh mà đa số các sản phẩm thực phẩm đang sử dụng”, ông Công nói.
Đừng tạo ra sản phẩm mà người tiêu dùng không cần
Trong khi đó, theo ông Viễn, đại diện của Công ty TNHH Nông Trại 123, những xu hướng tiêu dùng trong tương lai là điều mà công ty rất quan tâm. Chẳng hạn như các sản phẩm ăn liền, hữu cơ (organic), thiên về sức khoẻ…Đó là xu hướng của các sản phẩm về nông nghiệp.
“Các DN cần học hỏi những sản phẩm theo xu hướng mới của thế giới, những thiết kế mới, cũng như cách để giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng”, ông Viễn chia sẻ.
Chuyên gia thị trường Nguyễn Kim Thanh nhấn mạnh các DN phải nhận thức, đừng nghĩ đến chuyện “mua đứt bán đoạn” hay chuyện bán tươi nữa. Thay vào đó, họ phải nghĩ đến chuyện làm ra những sản phẩm chế biến, phải đa dạng sản phẩm chế biến.
“Thực ra các DN chưa đánh giá đúng vị thế, tầm quan trọng của sản phẩm chế biến. Trong khi đó, có rất nhiều tổ chức đã nhảy vào hỗ trợ nhằm giúp cho DN về mặt công nghệ để có thể làm ra được những sản phẩm giá trị gia tăng”, bà Thanh nói.
Bên cạnh đó, như lưu ý của giới chuyên gia, nếu các DN nhỏ làm nông nghiệp tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng không cần, có nghĩa là sản phẩm đó không có giá trị. Vì vậy, điều quan trọng là DN cần phải nâng tầm, phải tạo ra bằng được sản phẩm nông nghiệp có giá trị nhất định.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để DN nhỏ hay DN khởi nghiệp trong mảng nông nghiệp tạo ra được sản phẩm phù hợp với thị trường? Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Pathfinder, điều này tưởng đơn giản nhưng lại cực kỳ khó. Có nghĩa là họ phải chứng minh, tìm ra thị trường đủ lớn và sản phẩm làm ra là tốt nhất, mô hình kinh doanh có thể mở rộng.
Giới chuyên gia cho rằng, lâu nay có nhiều DN làm nông nghiệp theo kiểu lấy tài nguyên của quê hương mang đi bán chứ không rõ là giải quyết được điều gì cho thị trường, tạo giá trị gì cho người tiêu dùng. Không những vậy, việc đổi mới sáng tạo của DN cũng không rõ ràng, giá trị sản phẩm thấp và không tạo được sự hấp dẫn, thu hút.
Và điều cần lưu tâm là có những DN nhỏ làm nông nghiệp nhưng lại nhìn từ trong ra, tức là công ty của mình có gì mạnh, có gì để bán. Tuy nhiên hiện nay, tư duy mới mà họ cần để ý là nên nhìn từ ngoài thị trường vào trong, cần phải xác định rõ khách hàng là ai, và phía DN có thấu cảm được mong muốn của người tiêu dùng hay không.
Thế Vinh