Bà Anne Baker, đại diện Lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM cho biết xuất khẩu (XK) trái cây tươi của Mỹ sang Việt Nam năm 2018 đạt 102 triệu USD, tăng đến 42% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ mới đây giữa Phái đoàn thương mại quả việt quất của bang Washington và Oregon (Mỹ) với giới doanh nghiệp (DN) thực phẩm Tp.HCM nhân sự kiện đưa trái việt quất tươi của Mỹ vào tiêu thụ trong kênh siêu thị Big C và Aeon, bà Anne bày tỏ sự “nóng lòng” thấy XK trái cây Mỹ sang Việt Nam năm 2019 sẽ tăng bao nhiêu phần trăm khi có sự góp mặt của trái việt quất.
Nắm bắt thị hiếu
Trước đông đảo các DN Việt đang có nhu cầu nhập khẩu (NK) trái cây Mỹ, đại diện Phái đoàn thương mại quả việt quất của bang Washington và Oregon đã khẳng định về kinh nghiệm lâu năm và trình độ cao để có thể cung cấp đầy đủ và đa dạng cho các DN tất cả những sản phẩm liên quan đến trái việt quất.
Điểm gây chú ý là khi ông Alan Schreiber, Giám đốc điều hành Hiệp hội việt quất bang Washington, tự tin nói về lý do người tiêu dùng (NTD) Việt chắc chắn sẽ mua trái việt quất. Đó là vì trên trang web của Hiệp hội có liệt kê đến 42 nghiên cứu khoa học về lợi ích cho sức khoẻ khi dùng loại trái này được công bố trên các công báo về y khoa.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Quang Tín, Giám đốc một DN NK trái cây, cho rằng các nhà XK trái cây Việt cần phải học hỏi nhiều về cách thức và tầm quảng bá thị trường trái cây của người Mỹ. Đặc biệt là họ biết công bố những công trình nghiên cứu khoa học về tác dụng đến sức khoẻ cho từng loại trái cây XK.
“Điều này vừa thu hút thị hiếu NTD, vừa giúp nâng giá trị sản phẩm trái cây Mỹ. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam cũng đã XK được 6 loại trái cây tươi sang Mỹ như thanh long, vải, nhãn, chôm, vú sữa, xoài, nhưng lại thiếu các công trình nghiên cứu về tác dụng bổ dưỡng của những loại trái như người Mỹ đã làm”, ông Tín nói.
Hơn nữa, với từng loại trái cây tươi, các nhà cung cấp của Mỹ cũng thể hiện rõ tính đa dạng và phong phú. Chẳng hạn như nho Mỹ có tới 20 dòng sản phẩm khác nhau như nho xanh, nho đỏ hoặc nho đen…, mỗi dòng sản phẩm lại có tiêu chuẩn chất lượng, giá cả khác nhau. Táo Mỹ cũng có hơn 30 chủng loại khác nhau như Envy, Ambrosia, Granny Smith, Gala…
Trái cây Việt cần học hỏi nhiều để trụ vững trên sân nhà lẫn sân khách |
Học hỏi điểm mạnh, khắc phục điểm yếu
Theo chia sẻ của các DN, một số trái cây tươi của Mỹ chủ yếu là nhập chính ngạch vào Việt Nam nên có đầy đủ giấy tờ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vừa mẫu mã đẹp, được đóng gói, bảo quản tốt, vừa gắn với giá trị bổ dưỡng nên được những NTD Việt thuộc dạng trung lưu yêu thích và bán với giá cao.
Khi so sánh với một số loại trái cây nhập từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, giới chuyên gia cho rằng xét riêng ở khâu đóng gói trái cây trước khi vận chuyển tiêu thụ ngay cả trong nước hiện nay cũng còn quá yếu, thua kém đến vài chục năm, dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn.
Trong khi đó, một số loại trái cây Mỹ được phân loại, đóng gói theo kích cỡ trái và độ ngọt của từng trái. Bên ngoài thùng trái cây có ghi rõ chất lượng trái trong thùng, nếu là trái to và ngọt hơn sẽ được bán với giá cao hơn.
Một trở ngại khác cho trái cây Việt nếu so sánh với các đối thủ cạnh tranh là phải đối mặt với việc duy trì chất lượng đến những thị trường xa xôi. Chẳng hạn, thanh long xuất sang Mỹ theo đường biển phải mất ít nhất 20 ngày, sau đó bán trong siêu thị mất 7 – 10 ngày. Tổng thời gian trái thanh long đến NTD mất cả tháng trong khi loại này chỉ duy trì chất lượng tốt trong vòng 20 ngày.
Giới chuyên gia lưu ý nếu trái cây Việt vận chuyển bằng đường hàng không thì giá cao nhưng vận chuyển bằng đường biển lại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hoặc hàng đến nơi thất thường. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần làm tốt khâu cất giữ sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng.
Mặt khác, cần nhìn nhận là dù có nhiều công ty XK trái cây nhưng Việt Nam chưa có một công ty XK nào có thương hiệu trên thế giới như một số nước. Chẳng hạn như Mỹ có công ty Dole chuyên lo XK chuối già, dứa, xoài.
Theo PGs.Ts Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, XK trái cây ở Việt Nam hiện nay do rất nhiều công ty nhỏ, cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá.
Trong khi đó, ở Mỹ, một công ty chỉ XK một hoặc hai mặt hàng. Mô hình này là lo từ A đến Z, tức là họ tự tổ chức sản xuất, đóng gói, đến XK và cả tiếp thị quảng bá sản phẩm. Vì vậy, không có việc cạnh tranh hạ giá, không có việc chất lượng không đồng đều và cũng không có việc mạnh ai nấy đi tiếp thị sản phẩm như DN Việt đang làm.
Có thể nói, để tăng tính bền vững và không bị “nốc ao” ở sân nhà lẫn sân khách khi XK, trái cây Việt cần phải học hỏi dài dài, nhất là từ những quốc gia tiên tiến.
Thế Vinh