Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Latvia) vào ngày 8/5 có đưa ra thông tin về một số yêu cầu bổ sung khi nhập khẩu hạt điều vào thị trường Bắc Âu mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) hạt điều cần quan trong. Trong đó có lưu ý đến 9 yêu cầu: Chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội DN, yêu cầu đóng gói, ghi nhãn, hạt điều hữu cơ, nhãn hữu cơ quốc gia ở Bắc Âu, chứng nhận bền vững, chứng nhận dân tộc.
“Luật riêng” từ kênh phân phối lớn ở Bắc Âu
Chẳng hạn như với chứng nhận bền vững, nhiều nhà nhập khẩu của Bắc Âu yêu cầu DN xuất khẩu hạt điều cần tuân theo quy tắc ứng xử cụ thể của riêng họ. Và hầu hết các nhà bán lẻ châu Âu đều có quy tắc ứng xử riêng hay được ví von là “luật riêng”, đơn cử như Lidl (PDF), REWE, Carrefour (PDF), Tesco và Ahold Delhaize.
Khi tiếp xúc với các nhà cung ứng của Việt Nam thì các nhà thu mua lớn của Bắc Âu có đưa ra các quy tắc riêng của họ. |
Đây là vấn đề mà các nhà XK hạt điều Việt Nam cần hết sức lưu tâm khi nhắm đến việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn của Bắc Âu. Nhất là cần tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của EU cũng như các quy tắc riêng của nhà thu mua, tránh tình trạng hàng hóa khi đưa đến châu Âu lại bị chặn ở biên giới vì không đạt chuẩn.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết các nhà thu mua ở Bắc Âu có xu hướng lựa chọn những nhà cung cấp có thể chia sẻ những giá trị tích cực đến với cộng đồng. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất, Tập đoàn IKEA (Thụy Điển, là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn rất mới là tiêu chuẩn IWAY, được xem là bộ quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm, là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của họ.
Việt Nam hiện được xem là nguồn cung ứng gỗ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn IKEA. Mặc dù vậy, như chia sẻ của ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro gỗ không đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, bao gồm cả yêu cầu về pháp lý, yêu cầu đặt ra cho các đối tác là chỉ cung cấp và sử dụng nguyên liệu từ gỗ được FSC (Hội đồng quản lý rừng quốc tế) chứng nhận.
Nhân chuyện này cũng nên nhắc đến thông tin mới đây có liên quan đến các nhà XK đồ gỗ của Việt Nam vào EU, đó là ngành công nghiệp gỗ châu Âu, trong một tuyên bố mở hồi tháng 4/2024, được ký bởi Liên đoàn công nghiệp chế biến gỗ châu Âu (CEI-Bois), Liên đoàn công nghiệp nội thất châu Âu (EFIC), Tổ chức công nghiệp máy cưa châu Âu (EOS), Liên đoàn ván châu Âu (EPF), Liên đoàn thương mại gỗ châu Âu (ETTF) và Liên đoàn công nghiệp sàn gỗ châu Âu (EFP), đang kêu gọi trì hoãn việc thực hiện Quy định phá rừng của EU (EUDR) vì các hệ thống và công ty chưa sẵn sàng.
Thực tế cho thấy EUDR (chính thức có hiệu lực từ tháng 6/2023 và đến ngày 31/12/2024 sẽ thực hiện) đang là rào cản cho các nhà XK đồ gỗ vào EU. Như trường hợp của Việt Nam thì Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng cần gấp rút nghiên cứu, chủ động xây dựng và ban hành các chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát phù hợp với quy định mới này. Về phía các nhà XK gỗ Việt nếu không muốn dừng cuộc chơi, sẽ phải đáp ứng “luật chơi” mới ở thị trường EU với nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt trên 23 tỷ USD/năm.
Trở lại với bộ quy tắc của IKEA, theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, cùng với các nhà cung cấp sẽ đảm bảo tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, vật liệu, linh kiện, dịch vụ một cách có trách nhiệm bằng cách xác định các kỳ vọng một cách rất rõ ràng đối với các nhà cung cấp. Để từ đó các nhà cung cấp phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh về môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động.
“Để thực hiện các tiêu chuẩn này thì điều kiện tiên quyết là bắt buộc tất cả các nhà cung ứng, cung cấp dịch vụ khi làm việc với IKEA cần phải tuân thủ”, vị tham tán thương mại nhấn mạnh.
Cần tuân thủ tốt và hành động ngay
Hoặc như với Tập đoàn FH - một tập đoàn lớn chuyên về phân phối đồ gia dụng ở Đan Mạch. Qua tiếp xúc với lãnh đạo của tập đoàn này khi đến Việt Nam tìm nhà cung ứng, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho biết là họ chỉ tìm những nhà cung cấp mà có chứng chỉ BSCI, tức là bộ tiêu chuẩn đánh giá về việc tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh.
Còn đối với các nhà cung ứng nhóm mặt thực phẩm, theo vị tham tán này, sẽ phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của Bắc Âu như an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, các chứng nhận về môi trường, trách nhiệm xã hội.
“Nói chung với tất cả các nhóm mặt hàng của Việt Nam khi nhắm vào thị trường Bắc Âu cần nắm rõ xu hướng hiện nay là đều liên quan đến bền vững và sản xuất có trách nhiệm hơn. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải, giảm phát thải…Nếu tuân thủ tốt thì sản phẩm của DN Việt sẽ được các nhà thu mua của Bắc Âu chấp nhận đưa vào kênh phân phối của họ”, bà Thúy nói.
Ngoài các vấn đề nêu trên ở thị trường Bắc Âu, theo quy định mới EU, từ ngày 3/6/2024, tất cả DN có liên quan tới hàng hóa XK từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2).
Hệ thống ICS2 là hệ thống mới về an toàn và an ninh hải quan trước khi hàng đến của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng quy trình mới cho nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt tại EU. Chính vì vậy, khi XK vào EU thì các DN Việt cần nắm chắc thông tin quy định mới trong hệ thống kiểm soát nhập khẩu của EU.
Như cảnh báo hồi tháng 4/2024 từ Tổng cục Hải quan của Việt Nam, nếu DN Việt không nắm được các quy định này có khả năng phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng, như: Các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; hàng hoá sẽ không được thông quan bởi Hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.
Tổng cục Hải quan cho rằng, các DN Việt cần phải triển khai khi ICS2 chính thức có hiệu lực. Theo đó, các DN cần phải quyết định tự phát triển hệ thống công nghệ thông tin nội bộ hay sử dụng dịch vụ của một Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để gửi dữ liệu ENS (một loại phụ phí kê khai sơ lược hàng hóa nhập khẩu vào EU nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an ninh cho khu vực EU) lên hệ thống ICS2. DN cần phải thỏa thuận sớm với các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng về cách thức nộp dữ liệu ENS.
Xét cho cùng, trước việc tiếp tục đối mặt các quy định mới ngày càng khắt khe hơn ở EU, không gì khác hơn cho các nhà XK của Việt Nam khi nhắm vào thị trường khó tính nhưng “màu mỡ” này thì đòi hỏi trước tiên là phải tuân thủ tốt và hành động ngay. Còn một khi chậm đáp ứng các điều kiện cần, rủi ro đến với DN từ thị trường chủ lực này là khó tránh khỏi.
Thế Vinh