Trong chia sẻ mới đây về vấn đề thị trường Halal với tiềm năng còn bỏ ngỏ, ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cho rằng Việt Nam có 3 lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu (XK) vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Thứ nhất là lợi thế về vị trí địa lý khi nằm trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á vốn tập trung đông dân số theo đạo Hồi (như Indonesia, Malaysia, khu vực Trung Đông…).
Vì sao thị trường Halal còn bỏ ngỏ?
Lợi thế thứ hai là Việt Nam có chủ trương và đề án phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và Châu Phi trong giai đoạn 2016 - 2025, trong đó có tuyên bố cấp cao của Chính phủ Việt Nam đối với các đối tác về thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam XK vào thị trường Halal.
Để cải thiện tăng trưởng xuất khẩu đang cần các DN Việt chủ động kết nối nhiều hơn với các nhà thu mua ở những thị trường gần, đầy tiềm năng. |
Lợi thế thứ ba là Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về XK nông thủy sản và các mặt hàng nông sản chế biến như gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cùng các sản phẩm đồ uống…
Với ba lợi thế như vậy, theo ông Trung thì hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác khi XK vào thị trường Halal. Tuy nhiên, có một hạn chế là nhiều DN Việt Nam vẫn chưa có giấy chứng nhận Halal hoặc chưa hiểu, chưa nắm vững về tiêu chuẩn, quy trình cũng như thủ tục về XK sản phẩm Halal vào các thị trường Hồi giáo. Đây là những hạn chế rất cần sớm khắc phục.
Vị Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE cũng cho biết đang có tín hiệu đáng quan tâm về việc XK hàng hóa Việt Nam vào UAE - một quốc gia hàng đầu trong thị trường Halal. Như trong quý 1/2024, kim ngạch XK của Việt Nam vào quốc gia này đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng nông sản Việt có sức tăng trưởng mạnh vào UAE như XK hạt điều tăng 41%, mặt hàng rau củ quả tăng 35,5%, thủy sản tăng hơn 37%, gạo tăng hơn 65%...
Như lưu ý của ông Trung, các DN Việt cần quan tâm nhiều hơn cho việc XK vào thị trường Halal khi mà quy mô, nhu cầu của thị trường này là rất lớn (có thể đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2030). Đơn cử như với một thị trường Halal hàng đầu thế giới và rất gần Việt Nam là Indonesia (với hơn 240 triệu người theo đạo Hồi) với nhu cầu tiêu thụ rất cao các sản phẩm Halal mà các DN Việt rất cần nắm bắt.
Hoặc như thị trường UAE với lượng thực phẩm, ngũ cốc Halal (gồm các sản phẩm tươi sống và đông lạnh) được tiêu thụ hàng năm khoảng hơn 420.000 tấn. Theo ông Trung, thành phố Dubai của quốc gia này cũng là nơi trung chuyển sản phẩm Halal ra toàn thế giới và có quy mô thị trường Halal vào khoảng 512 tỷ USD/năm. Hoặc như theo dự báo thị trường đồ uống Halal của UAE sẽ vượt 5,5 tỷ USD trong năm 2024 này. Những con số tương đối ấn tượng như vậy rất cần các nhà XK của Việt Nam quan tâm đến thị trường này nhiều hơn nữa.
“Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy rằng Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Do đó, để thúc đẩy XK hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào UAE nói riêng và thị trường Halal nói chung đòi hỏi các DN Việt cần khẩn trương xin giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn XK vào thị trường các quốc gia Hồi giáo”, vị Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE nhấn mạnh.
Thích nghi với chiến lược mới
Không chỉ với thị trường Halal, việc đưa hàng Việt vào những thị trường gần, đầy tiềm năng vẫn chưa được các DN Việt khai thác sâu, dành sự quan tâm nhiều, dù cho các thị trường này có nhu cầu cao đối với các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam.
Thậm chí, có DN trong ngành gỗ khi mở thêm showroom ở Campuchia cũng bị cổ đông chất vấn lãnh đạo công ty là tại sao không tập trung vào thị trường Mỹ mà lại nhắm vào một thị trường gần như vậy.
Đơn cử như CTCP Gỗ An Cường hồi cuối năm rồi đã mở showroom đầu tiên của họ tại thủ đô PhnomPenh (Campuchia) và trong tháng 4/2024 đã khai trương showroom nội thất tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Giải thích với cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên 2024 được tổ chức mới đây, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Gỗ An Cường, cho biết thị trường Mỹ rất lớn, tập trung vào Mỹ là đúng. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua thị trường Lào, Campuchia. Tập trung vào Mỹ, nhưng mà thị trường xung quanh bán được hàng thì tại sao lại không bán. Cho nên công ty cũng đang mở rộng XK thêm vào những thị trường gần trong khu vực như Malaysia, Singapore.
Theo ông Nghĩa, hồi năm rồi riêng thị trường Campuchia đã mang lại doanh thu cho công ty của ông được khoảng trăm tỷ đồng. Những người giàu ở đây thường chọn những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất.
Đứng ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, Ts. Daniel Borer (Đại học RMIT) cho rằng với kịch bản địa chính trị hiện nay, Việt Nam nên tăng cường quan hệ thương mại, thúc đẩy XK với các đối tác thân thiện và có vị trí gần hơn.
Chẳng hạn như Australia và New Zealand, theo ông Borer, đây là những quốc gia có tiềm năng thương mại lớn với Việt Nam nhưng chưa được khai thác nhiều.
Theo vị chuyên gia của RMIT, xu hướng “near-shoring” (gần bờ) khiến cho các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển dịch cơ sở sản xuất đến gần khách hàng hơn. Ngoài ra, đã có sự thay đổi trong tư duy khi thương mại hiện nay đã mang tính khu vực hơn. Các quốc gia dường như đã nhanh chóng thích nghi với chiến lược mới này.
Do đó, việc các DN Việt tập trung nhiều hơn cho XK hàng hóa vào những thị trường gần, đầy tiềm năng là điều hoàn toàn phù hợp với xu hướng, cũng như tư duy thương mại mang tính khu vực hiện nay. Đặc biệt là cần tận dụng triệt để tiềm năng của thị trường gần như Châu Á với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào năm 2020 đã tạo ra khối thương mại lớn nhất từ trước đến giờ với thành viên gồm khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Điều này rất cần các DN Việt nhìn nhận, theo dõi sát căng thẳng địa chính trị đang định hình lại thương mại toàn cầu, để từ đó thay đổi, thích nghi với chiến lược mới, không tiếp tục lơ là bỏ qua các thị trường gần, đầy tiềm năng, nhằm góp sức nâng cao kim ngạch XK cho Việt Nam.
Thế Vinh