Vào cuối tháng 7/2023, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Đài Loan (TFDA) đã có kết quả kiểm tra đánh giá tính hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ngành thủy sản của Việt Nam.
Để đầu ra không còn gặp cản trở
Theo đó, sau khi xác nhận rằng các doanh nghiệp (DN) được kiểm tra bởi Cơ quan giám sát ngành của Việt Nam đã hoàn thành việc cải thiện tất cả các thiếu sót và gửi các tài liệu bổ sung có liên quan, TFDA xác nhận Việt Nam đã hoàn thành thủ tục thẩm tra trên giấy tờ và kiểm tra thực địa của công tác đánh giá kiểm tra tính hệ thống các sản phẩm thủy sản.
Thống kê trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cho thấy chỉ khoảng 10-15% sản lượng sản phẩm chủ lực, đặc sản duy trì kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi. |
TFDA cũng đề nghị cơ quan quản lý phía Việt Nam cung cấp Danh sách các DN đạt chuẩn XK thủy sản sang Đài Loan, phạm vi bao gồm các sản phẩm bao trùm các mã HS code 03, 1604 và 1605 để TFDA phê duyệt. Được biết, trước khi hoàn thiện quy trình này, vẫn còn khoảng hơn 50 DN đang trong Danh sách chờ được cấp phép.
Tuy nhiên, TFDA có lưu ý khi phát sinh tình huống như đề cập Điều 5 của “Biện pháp thực thi kiểm tra đánh giá tính hệ thống thực phẩm nhập khẩu”, TFDA sẽ một lần nữa yêu cầu tiến hành thẩm tra trên giấy tờ và kiểm tra thực địa để đảm bảo yêu cầu việc quản lý hệ thống của phía Việt Nam tương đương như của phía Đài Loan.
Theo nhận định của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), thông báo của phía TFDA đã gỡ bỏ những rào cản thương mại trong xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam sang Đài Loan đối với việc thêm mới các DN đạt chuẩn đủ tư cách XK trong thời gian qua.
Trong khi đó, ở một diễn biến khác, mới đây Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết dự kiến trong tháng 8/2023 đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) sẽ thực hiện kiểm tra 5 DN chế biến XK cá da trơn vào Mỹ. Qua đó để đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh ATTP đối với cá da trơn XK sang thị trường Mỹ.
Có thể thấy trong bối cảnh đầu ra còn nhiều khó khăn như hiện nay, càng đòi hỏi các DN xuất khẩu thủy sản không thể lơ là trước hoạt động kiểm tra về chất lượng, ATTP từ các quốc gia nhập khẩu. Nếu DN làm tốt, đạt chuẩn (chẳng hạn như đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ TFDA), thuyết phục được những yêu cầu khắt khe từ hệ thống tiêu thụ thì đầu ra sẽ không gặp quá nhiều cản trở.
Cần lưu ý thêm, trong 6 tháng đầu năm nay, số đơn hàng XK thủy sản bị trả về do vi phạm an toàn thực phẩm đã giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022 có 66 lô bị cảnh báo, trong nửa năm nay chỉ có 31 lô bị cảnh báo, trong đó có 15 lô liên quan đến dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Đứng ở góc độ DN hàng đầu về XK thủy sản, theo cảm nhận cá nhân của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), đó là các DN có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược…sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn so với các DN chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn.
“Thí dụ như bây giờ yêu cầu các DN thực thi bộ tiêu chí môi trường – xã hội – quản trị (ESG), các DN có tính toán từ xa sẽ dễ hòa nhập và thực hiện. Qua đó thu hút, thuyết phục được các hệ thống tiêu thụ, nhất là hệ thống cao cấp, sẽ có nhiều khách hàng tốt”, ông Lực chia sẻ.
Có hoàn thiện mới tồn tại lâu bền
Từ đó, theo vị chủ tịch của FMC, qua khó khăn hôm nay, các DN thủy sản có nhiều việc cần phải quan tâm, hoàn thiện mình theo xu thế. Họ không thể còn tư tưởng bóc ngắn cắn dài như một thời đã diễn ra trước kia. Tất cả các DN đều trên đường đua trường kỳ, mọi thành viên tham gia phải tính toán bền sức, phải có sự chuẩn bị mọi mặt cần thiết.
Ngoài vấn đề về kiểm soát chất lượng, ATTP của XK thủy sản, từ nay đến cuối năm Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đã nhận được thông tin các đoàn từ những quốc gia nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan, Ả rập Xê út, Nga…có kế hoạch đến Việt Nam để thanh tra, kiểm tra về điều kiện an toàn thực phẩm.
Còn mới đây, Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố khuyến cáo về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thông báo vi phạm kiểm dịch thực vật của một số lô trái cây như: Chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam qua.
Cho nên, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành nên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Theo đó, việc cấp mã số cho các vùng trồng phải thực hiện chặt chẽ, không chạy theo số lượng. Ngoài ra, các địa phương nên tăng cường công tác tuyên truyền những quy định của Trung Quốc với từng loại trái cây nhập khẩu để các nhà vườn, cơ sở đóng gói biết, thực hiện đúng quy trình.
Đặc biệt, các cơ sở đóng gói phải áp dụng các công nghệ hiện đại để làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi XK. Quá trình đóng gói cần được kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT về việc đảm bảo ATTP cho phát triển thị trường nông lâm thủy sản trong tình hình mới, có lưu ý về mặt tồn tại hạn chế là tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế chưa cao.
Cụ thể, thống kê cho thấy chỉ khoảng 10-15% sản lượng sản phẩm chủ lực, đặc sản duy trì kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi. Nguyên do là vì việc liên kết ngang giữa các hộ sản xuất cũng như liên kết dọc với cơ sở thu mua, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh hiện nay còn rất lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng phát triển khá nhanh nhưng đã bộc lộ rõ một số hạn chế như: Tỷ trọng sản lượng nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi cho tất cả sản phẩm đặc thù vẫn còn thấp.
Vì thế, để nông lâm thủy sản Việt không gặp phải những rào cản thương mại trong quá trình XK thì điều quan trọng là cần phải giữ cho được uy tín. Và để cải thiện khó khăn về mặt thị trường, tồn tại lâu bền, tăng sức cạnh tranh và tăng tốc XK trong các tháng cuối năm thì đòi hỏi các DN cần hoàn thiện mình nhiều hơn nữa với sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thế Vinh