Bà Chu Thị Hà, Quản lý nghiên cứu và phát triển của CTCP OFAM (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết công ty đang thăm dò một số thị trường nước ngoài lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand để xuất khẩu (XK) trái cây nhưng vẫn e ngại khó cạnh tranh vì chi phí sản xuất cho vùng nguyên liệu rau quả còn khá cao.
Giá cao, lo bị trả về
"Hiện nay, nhiều loại phân bón hay các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để chăm sóc cây trồng hầu như phải nhập khẩu. Diện tích cây ăn quả của nông dân còn khá nhỏ lẻ và họ ít có nguồn vốn để đầu tư máy móc thiết bị nhằm giảm chi phí về lao động, dẫn đến chi phí sản xuất rất cao", bà Hà chia sẻ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Diễn đàn XK rau quả trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả (Hortex Vietnam) 2019 tổ chức ở Tp.HCM ngày 13/3, bà Hà cho rằng một khi chi phí sản xuất còn cao đồng nghĩa giá rau quả Việt XK sẽ chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn.
Chẳng hạn, hai đối thủ XK rau quả của Việt Nam là Thái Lan và Malaysia canh tác tương đối dễ dàng và đơn giản hơn, nhất là việc tự chủ được nguồn sản xuất phân bón và thuốc BVTV từ trong nước.
Ngay từ đầu, hai nước này đã chú trọng việc hạn chế sử dụng chất hóa học, lại có ưu thế về giống cây tốt… nên tiết giảm được chi phí nhiều hơn, vì vậy giá XK trái cây cũng thấp hơn so với rau quả Việt.
Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng chất lượng của một số loại rau quả Việt XK còn nhiều hạn chế dẫn đến việc không đạt được tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu (NK). Đơn cử như khi XK rau quả sang Nhật Bản hay Hàn Quốc, không ít trường hợp đã bị trả về.
Cập nhật mới nhất của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho thấy trong năm 2018 đã có đến 48 vụ việc nông sản, trái cây của Việt Nam khi XK sang đến Nhật Bản đã bị trả về vì tồn dư hoạt chất thuốc BVTV cao hơn mức cho phép.
Theo ông Hưng, hệ thống kiểm dịch và tiêu chuẩn NK trái cây ở hai thị trường chủ lực là Nhật Bản và Hàn Quốc hết sức ngặt nghèo, nên việc XK trái cây Việt sang đây dự kiến sẽ còn nhiều thách thức.
Đơn cử như Hệ thống mới về danh mục thuốc BVTV (gồm 370 loại thuốc cho phép sử dụng) của Chính phủ Hàn Quốc ban hành – Hệ thống PLS, có hiệu lực từ 1/1/2019, được áp dụng với toàn bộ nông sản NK vào thị trường này.
Các nhà nhập khẩu ngoại quan tâm đến chất lượng rau quả Việt |
Đối mặt rào cản
Nếu trái cây Việt XK sử dụng các loại thuốc BVTV không nằm trong 370 loại thuốc thuộc danh mục mà Hàn Quốc cho phép thì mặc nhiên sẽ bị áp dụng mức tồn dư tối thiểu hoặc tối đa là 0,01miligram/kg.
"Đây là một mức không tưởng, khó có thể đáp ứng được. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để cung cấp thông tin về hệ thống PLS đến với các doanh nghiệp (DN) XK rau quả trong cả nước, tuy nhiên việc tuân thủ hệ thống này là rất khó khăn", ông Hưng bộc bạch.
Giới chuyên gia cho biết đối với hệ thống PLS, nếu các nông trại trồng cây ăn quả ở Việt Nam sử dụng thuốc BVTV không nằm trong danh mục cũng có thể tiến hành đăng ký với cơ quan kiểm định ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, quá trình đăng ký và đánh giá từ các cơ quan kiểm định mất nhiều thời gian và chi phí, nên XK rau quả sang Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ đầy thách thức.
Hiện nay, Hàn Quốc chỉ cho phép NK từ Việt Nam 5 loại trái cây là dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long; các loại trái cây khác là vú sữa, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn đang xin phép NK. Trong năm 2018, Hàn Quốc xếp vị trí thứ ba trong 10 thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 113,9 triệu USD, chiếm 2,76% thị phần.
Bên cạnh đó, khả năng quản lý, tận dụng xuất xứ hàng hóa cũng là mặt hạn chế cần khắc phục hiện nay của rau quả Việt XK nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại đã tham gia.
Chẳng hạn trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với mặt hàng rau quả, Nhật Bản cam kết thuế 0% vào năm thứ ba hoặc năm thứ năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo lưu ý của ông Đỗ Quốc Hưng về ưu đãi thuế khi XK rau quả vào Nhật Bản hay Hàn Quốc, DN phải nắm kỹ các quy định về xuất xứ nhằm có thể xin được C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) một cách phù hợp.
Có chứng nhận xuất xứ thì DN mới được hưởng ưu đãi miễn thuế NK, nhưng việc quản lý hàng hóa rau quả của DN Việt khi XK vẫn chưa thực sự đầy đủ, nên đây cũng là một thử thách lớn trong thời gian tới đối với các DN.
Thế Vinh