Dù xuất khẩu (XK) rau quả đang mang lại kim ngạch lớn (đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2018), nhưng một câu hỏi thường trực được đặt ra là với ưu thế sẵn có nhiều giống rau quả ngon, nhà vườn lại có thể cho trái lúc nào cũng được thì tại sao lại vẫn còn lo đầu ra?
Trung tâm của chuỗi giá trị
Để tìm lời giải, giới chuyên gia cho rằng đầu ra cho rau quả Việt đúng là vẫn còn phải lo vì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì không có sản lượng lớn để XK.
Hơn nữa, là vì đang cần những doanh nghiệp (DN) nông nghiệp đầu tàu trong nước để đầu tư các nhà máy chế biến rau quả có công nghệ hiện đại và quy mô công suất lớn nhằm khai thác giá trị tốt nhất những giống đặc sản.
Nỗi lo này có thể được giải tỏa phần nào khi mới đây, một nhà máy chế biến rau củ quả có công suất lên đến 60.000 tấn mỗi năm thuộc CTCP Lavifood đã chính thức khánh thành ở huyện Gò Dầu (Tây Ninh) với vốn đầu tư hơn 1.780 tỷ đồng.
Nhà máy chế biến nông sản này (có tên gọi là Tanifood) được kỳ vọng mang lại cú hích về kinh tế trong ngành chế biến rau củ quả Việt, được đánh giá là "số 1 Việt Nam" và là một trong 5 nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ và áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Lavifood, cho biết: Nhà máy Tanifood sẽ chế biến tất cả các loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau. Trong đó, nông sản loại 1 sẽ làm hàng XK tươi, còn loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai.
Theo ông Thắng, nhà máy sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản Việt và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân tại địa phương từ 0,26 USD/ m2 lên 3,6 USD/m2.
Trước đây, nông dân chỉ bán được cho các thương lái 50% sản lượng sau thu hoạch, nhưng bằng quy trình phân loại và sản xuất mỗi loại phù hợp với từng dây chuyền khác nhau, nông dân bán nông sản được nhiều hơn, tăng lên đến 80%.
"Khi vận hành trong chuỗi giá trị nông nghiệp, với vị trí là trung tâm của chuỗi giá trị, nhà máy xác định vai trò của mình trong việc xây dựng thị trường với chuỗi khách hàng trên toàn thế giới, liên kết, hướng dẫn nông dân xây dựng vùng trồng các loại trái cây, rau củ, phối hợp với các "nhà" có liên quan trong chuỗi giá trị để tất cả không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả cùng phát triển đúng với chức năng, nhiệm vụ của từng "nhà" trong chuỗi giá trị", ông Thắng chia sẻ.
Phát triển công nghệ chế biến sẽ giúp XK rau quả Việt tăng thêm nhiều giá trị |
Liên kết 6 "nhà"
Nhà máy này là mô hình điểm tại Tây Ninh trong chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao hội nhập thị trường quốc tế do Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sáng lập và điều phối. Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ cũng đang phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai một số chương trình vào việc phát triển các chuỗi giá trị của HTX – một nguồn cung ứng rau quả quan trọng cho nhà máy chế biến.
Trong chuỗi giá trị đó, theo mô hình kinh tế liên kết 6 "nhà": nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối, Lavifood là đơn vị đi đầu, phát triển hệ thống các nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại.
Dự kiến trong giai đoạn 10 năm tới, DN này sẽ phát triển chuỗi 10 nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại, cùng kế hoạch phát triển 33.000ha vùng trồng quy hoạch, dưới hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên khắp cả nước.
Về tầm quan trọng của rau củ quả XK, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích trồng rau quả hiện chỉ có 1,6 triệu héc ta nhưng kim ngạch XK hiện đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản, trong khi diện tích trồng lúa là 4 triệu héc ta nhưng XK gạo chỉ đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
Theo ông Cường, năm 2010, Việt Nam bắt đầu tham gia XK rau quả với giá trị 450 triệu USD, đến năm 2015 đã vươn lên 1,8 tỷ USD và đến năm 2018 đã tăng hơn gấp đôi. Nếu tập trung vào khâu chế biến thì rau quả XK của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh nhiều hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý là cả nước hiện mới chỉ có 145 cơ sở chế biến rau quả, vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các nhà máy chế biến nông sản, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được coi là vựa rau quả nhiệt đới của cả nước, số lượng nhà máy chế biến rau quả càng khiêm tốn.
Trong vấn đề chế biến rau củ quả, tại lễ khánh thành nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mong rằng phía DN chế biến cần đảm bảo diện tích và chất lượng vùng trồng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng, đáp ứng nhu cầu trong nước và XK.
Theo Phó Thủ tướng, các bộ ban ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam, ngân hàng cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, thực hiện các chính sách, các quy định pháp luật liên quan để phát triển ngành chế biến rau củ quả và tăng cường sản lượng, chất lượng rau củ quả, đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho DN trong hoạt động kinh doanh.
Thanh Loan