Tại Hội thảo "Hệ thống thực phẩm minh bạch - Xu thế văn minh, hiện đại của thị trường" ngày 7/1, Ths. Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp và phát triển hội viên của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho biết, mỗi tháng có không ít doanh nghiệp bị “sóng” đánh tan tác, hoặc phải giải thể. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp chưa minh bạch được thông tin sản phẩm.
Giá trị minh bạch ngày càng phổ biến
Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang khiến người tiêu dùng e ngại trong lựa chọn sản phẩm. Không ít người mong muốn được tiếp cận với những sản phẩm sạch, minh bạch thông tin và nguồn gốc. Khảo sát của AFT cho thấy, hiện có khoảng 56% người tiêu dùng mong muốn được tiếp cận với các sản phẩm có rõ nguồn gốc, minh bạch thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất…
Theo ông Đức Toàn, đại diện Công ty Viễn Phú với thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa, trước tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường như hiện nay, việc minh bạch thông tin, nguồn gốc sản phẩm có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp củng cố niềm tin đối với khách hàng và đối tác.
Quét mã QR là một trong những cách giúp người tiêu dùng nắm được thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. |
“Để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu, ngoài sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nông sản cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Có như vậy, hàng Việt mới rộng đầu ra, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu, rộng”, ông Toàn nói.
Thực tế hiện nay, nông sản Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập cùng loại về chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc… Vì thế, HTX, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần chủ động minh bạch các thông tin sản phẩm, nhất là các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, ngày sản xuất – ngày hết hạn, thông tin các tiêu chí an toàn, hữu cơ… để người tiêu dùng có thêm cơ sở tham khảo, lựa chọn và tin dùng sản phẩm Việt nhiều hơn.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, hiện nay, 100% sản phẩm rau, củ, quả của HTX sau khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói đều được dán tem QRcode, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet. Đây là cách giúp sản phẩm của HTX tiếp cận được với nhiều khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn thu mua của các doanh nghiệp, siêu thị…
Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Nguyễn Thị Thu Liên phân tích, ngay cả khi mua sản phẩm quần áo, người tiêu dùng cũng muốn sản phẩm đó có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên đối với các loại nông sản thuộc mặt hàng thực phẩm thì minh bạch thông tin, nguồn gốc là điều bắt buộc. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần phải chủ động minh bạch thông tin, tránh việc mù mờ về nguồn gốc, xuất xứ.
Đặc biệt, nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, đến năm 2035, người dân châu Âu sẽ sử dụng 80% thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam cũng đang khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Để đáp ứng được thị trường trong nước và xuất khẩu, việc minh bạch thông tin và xuất xứ sản phẩm là điều kiện bắt buộc nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước trên thế giới.
Gần đây, Uỷ ban châu Âu đã ban hành quy định mới liên quan tới kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào châu Âu, trong đó có yêu cầu tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với rau mùi ta, rau mùi tây, húng quế, bạc hà, đậu bắp và hạt tiêu tươi nhập khẩu từ Việt Nam là 50%. Với thanh long từ Việt Nam, tần suất thấp hơn: 10%... Điều này cho thấy, thị trường châu Âu áp đặt những quy định ngặt nghèo về dư lượng hóa chất trong thực phẩm. Muốn vượt qua được thì HTX chỉ có thể minh bạch trong sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu ở từng khâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, vận chuyển…
Hiện thực hóa minh bạch sản phẩm
Để minh bạch thông tin, nguồn gốc sản phẩm thì truy xuất nguồn gốc được áp dụng phổ biến. Trước đây, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất thô sơ, chỉ thực hiện trên sổ sách, giấy tờ nên rủi ro cao và thiếu minh bạch. Tuy nhiên, bằng sự phát triển của khoa học công nghệ, việc minh bạch thông tin dần dần được thực hiện bằng các mã vạch trên sản phẩm và hiện nay là sử dụng mã QR. Áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử giúp HTX, doanh nghiệp đáp ứng một cách kịp thời và chính xác các yêu cầu của khách hàng về truy xuất nguồn gốc và thông tin về các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để HTX, doanh nghiệp quảng bá tên tuổi, thương hiệu đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo Ths. Nguyễn Thị Thu Liên, nếu có mã QR nhưng mới cung cấp tên đơn vị, sản phẩm, thời gian thu hoạch, thời gian bảo quản… thì chỉ là truy xuất thông tin. Muốn minh bạch sản phẩm, việc truy xuất phải đầy đủ theo quy trình từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển… Vì chỉ cần một công đoạn, một bước trong quy trình không bảo đảm chất lượng, thì sản phẩm sẽ không minh bạch và gây hậu quả nghiêm trọng cho HTX, doanh nghiệp.
Dẫn chứng về việc này, bà Liên cho biết, người đứng đầu thương hiệu pate Minh Chay dù rất tâm huyết với sản phẩm nhưng chưa nắm được những phát sinh trong khâu chế biến nên làm biến đổi chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đơn vị này lại không có mã truy xuất nguồn gốc nên không minh bạch được sản phẩm. Cụ thể là không triệu hồi được sản phẩm pate nên xảy ra tình trạng sản phẩm Minh Chay dù không bảo đảm chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường cả tháng trời, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người tiêu dùng.
Để tránh tình trạng trên, việc nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay vẫn còn những HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa hiểu hết ý nghĩa và bản chất của truy xuất nguồn gốc nông sản. Bên cạnh đó, các HTX, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Đặc biệt là có rất nhiều HTX sản xuất hữu cơ không hề thua kém các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Sản phẩm của HTX trải qua các bước kiểm tra đều đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các HTX, chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ là rất cao, có thể khoảng 4.000-5.000 USD/lần cấp, vượt quá khả năng của nhiều HTX và sẽ đội chi phí lên rất cao, sản phẩm kém cạnh tranh. Trong khi đó, hệ thống tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia của Việt Nam vẫn còn những bất cập nhất định như chưa tương đồng với các nước trên thế giới, nên sản phẩm của HTX khó xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc…
Vì vậy, theo các chuyên gia, nếu chưa đủ điều kiện, HTX hoàn toàn có thể thay thế các chứng nhận hữu cơ bằng chứng nhận minh bạch, vì tiêu chuẩn minh bạch yêu cầu rất nghiêm khắc ở từng công đoạn sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giúp khách hàng, đối tác tiếp cận với sản phẩm. Nếu đạt được chứng nhận minh bạch, sản phẩm của HTX không chỉ đủ điều kiện tiêu thụ trong nước, mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.
Huyền Trang