Trước bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu (XK) thụt lùi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý thị trường nhập khẩu vẫn còn chưa hoàn toàn thuận lợi trong quyết định nhập hàng hóa từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước.
Vì sao thị trường nhập khẩu chưa thuận lợi?
Theo ông Dũng, trong quý 2/2023, Chính phủ đã có nhiều động thái để khơi thông XK, tăng cường làm việc với các quốc gia có ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm hỗ trợ tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, tạo thông thoáng luồng lưu thông hàng hóa từ Việt Nam sang các nước đó.
Xét từ “cơn bão” thiếu đơn hàng dẫn đến xuất khẩu sa sút như hiện nay, đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải chọn lối đi bền vững. |
Tuy vậy, như băn khoăn của vị chuyên gia này, bên cạnh những nỗ lực như thế thì “cơn bão” thiếu đơn hàng vẫn còn đó, đang đòi hỏi bản thân DN và khâu chính sách tiếp tục nhìn nhận là các thị trường nhập khẩu đang cần gì, đặt ra các yêu cầu gì từ hàng hóa Việt Nam để từ đó có lối đi bền vững hơn.
“Hoạt động XK đang ngày càng có những thay đổi, có những thị trường không chịu nhập nữa. Đặc biệt là tình trạng nhiều thị trường đang nâng cao chuẩn nhập khẩu, đề cao đến nhiều yếu tố về kinh doanh bền vững, về kinh tế tuần hoàn, về những tiêu chuẩn xanh hóa đối với nhà cung cấp. Từ đó đặt ra nhiều thách thức cho DN Việt nếu muốn tìm kiếm đơn hàng”, ông Dũng chia sẻ.
Còn đứng ở góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải sự sụt giảm XK hiện nay chủ yếu do thị trường, nhưng cũng cần thấy sự chuẩn bị của DN đối với giai đoạn mới cho XK rất quan trọng. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách là yêu cầu của XK giai đoạn mới rất cao, đó là yêu cầu về môi trường, tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính…
“Điều này có thể thấy ngay trong lĩnh vực dệt may, da giày trong khi đơn hàng khan hiếm nhưng lại dồn về các quốc gia đáp ứng được yêu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng. Đây là thời điểm rất quan trọng để DN thay đổi nhận thức, cũng như sự chuẩn bị cho thị trường cung ứng xanh.”, ông Hải nói rõ.
Tại diễn đàn thương mại xanh 2023 được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 14/6, nhiều ý kiến cũng bày tỏ mối quan ngại nếu các DN Việt không đáp ứng các tiêu chí xanh thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không thể XK ở những thị trường lớn và khó tính, khi đó chuyện thiếu đơn hàng là lẽ đương nhiên.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, đã tỏ rõ sự sốt ruột về những khiếm khuyết của DN trong chuyển đổi xanh, trong khi đây là vấn đề cấp bách. Như vậy sẽ khó có thể tồn tại và phát triển được nếu như các DN chậm thay đổi.
Phải là “người chơi có máu mặt”
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM, những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế sẽ tác động nhiều đến các DN Việt Nam. Trong khi đó, chuyển đổi xanh trong DN vẫn còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế và đặc biệt là trong liên kết giữa các bên.
Ngoài vấn đề về xanh hóa thì yếu tố “kinh doanh bền vững” cũng đang được các nhà thu mua quốc tế đặt ra cho các nhà cung cấp hay gia công (trong đó có các DN ở Việt Nam). Nếu thiếu đi yếu tố này, đơn hàng XK đến với các nhà sản xuất trong nước sẽ càng thêm mờ mịt.
Ts. Samuel Buertey (Đại học RMIT) nhấn mạnh, một khi Việt Nam tìm cách nâng cấp chuỗi giá trị và trở thành “người chơi có máu mặt” trong ủy thác sản xuất và kinh doanh (BPO) cho nhiều thương hiệu toàn cầu thì yếu tố bền vững là khía cạnh mà DN trong nước sẽ cần xem xét để tăng độ hấp dẫn cho quốc gia.
Như lo lắng của vị chuyên gia này, trong khi các yếu tố như chi phí, lao động lành nghề và nền kinh tế ổn định là những điểm thu hút chính giúp tăng trưởng lĩnh vực BPO ở Việt Nam, dữ liệu gần đây cho thấy khi cân nhắc thuê ngoài, ngày càng nhiều công ty đang rải hoạt động sản xuất lên khắp nơi trên thế giới.
Đó cũng chính là một trong những lý do cho tình trạng thiếu đơn hàng của các DN Việt. Cần thấy rằng ngày càng nhiều công ty toàn cầu chỉ chấp nhận làm việc với những nhà cung cấp cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Đây là một phần trong nỗ lực quản lý chuỗi cung ứng bền vững lớn hơn nhằm tìm cách thúc đẩy hoạt động bền vững trên mạng lưới cung ứng của toàn tổ chức.
Nghiên cứu của Ernst & Young (EY) hồi năm 2022 cho thấy, xét đến mục tiêu bền vững bao quát lớn hơn, tám trên mười lãnh đạo chuỗi cung ứng cam kết vận hành chuỗi cung ứng bền vững tập trung vào nguồn cung ứng có đạo đức bên cạnh các yếu tố khác.
Do đó, theo của Ts. Samuel Buertey, các DN Việt cần phải tìm cách cải thiện quy trình kinh doanh với BPO từ những nỗ lực phát triển bền vững nhất có thể. Hơn nữa, các DN cần phải lập báo cáo phát triển bền vững nhằm công bố và thể hiện các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị cũng như tiến độ đạt được các mục tiêu đó.
Còn trên thực tế, như chia sẻ của vị chuyên gia RMIT, phải thừa nhận rằng một số DN Việt Nam hiện đang rất nỗ lực thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Tuy nhiên, con số này rất ít và nhìn chung họ đều là những công ty lớn được niêm yết công khai. Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), tính riêng năm 2022, chỉ có 19 công ty đại chúng phát hành báo cáo phát triển bền vững riêng.
Trong khi đó, xét về xu hướng toàn cầu hiện nay, một khi các công ty của Việt Nam đảm bảo được các cam kết quản lý chuỗi cung ứng bền vững thông qua ủy thác, áp dụng những thông lệ kinh doanh bền vững thì sẽ duy trì sức hấp dẫn trên thị trường BPO quốc tế và không lo thiếu đơn hàng.
Thế Vinh