Ông Võ Quốc Lợi, thành viên HĐQT Công ty Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, cho biết với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đồ gỗ thì chi phí container rất là quan trọng. Trong khi đó, nếu như năm 2020 chi phí container đã tăng 165%, đến năm 2021 tiếp tục tăng thêm 63%, và cho đến nay vẫn không ngừng tăng.
Chi phí container vẫn không ngừng tăng
Với tình hình địa chính trị trên thế giới đang diễn biến phức tạp, theo ông Lợi, con số chi phí container sẽ tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm. Không chỉ vậy, với các DN xuất khẩu đồ gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ (phần lớn tập trung ở Bình Dương, Đồng Nai, Tp.HCM) thì chi phí xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển container từ nhà máy sản xuất đến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Cát Lái (Tp.HCM) và cảng Đồng Nai.
Trong quý I/2022 giá vận chuyển container bằng đường biển từ Việt Nam đi bờ Đông nước Mỹ đã tăng tới 232% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Ngoài ra, các chi phí logistics đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của DN ngành gỗ với chiều hướng gia tăng. Như lưu ý của ông Lợi, một số nguyên vật liệu ngành gỗ đã tăng mạnh trong thời gian qua, như gỗ sồi (xẻ) tăng 28%, gỗ Gõ (tròn) tăng 40%, gỗ Dương (xẻ) tăng 40%. Bên cạnh đó, nhiều nguyên vật liệu trong chuỗi giá trị ngành gỗ cũng có chiều hướng gia tăng.
Chia sẻ tại hội thảo tổ chức ở Tp.HCM ngày 14/4 nhằm bàn về xu hướng mới trong hoạt động logistics giữa tình hình mới, vị thành viên HĐQT Gỗ Trường Thành bày tỏ mối lo cho các DN trong ngành gỗ khi đối mặt với gia tăng chi phí đầu vào, giảm biên lợi nhuận, cạnh tranh nguồn nguyên vật liệu.
Để thích ứng trước tình hình này, ông Lợi nhấn mạnh trong ngắn hạn các DN đã đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện để thương thảo các hợp đồng mua nguyên vật liệu và dịch vụ logistics dài hạn.
“Các DN cũng cơ cấu lại danh mục sản phẩm để có chiến lược mua hàng hợp lý và tối ưu hoá các chi phí sản xuất. Không chỉ vậy, các DN cần hợp tác với những hiệp hội có liên quan nhằm có thể thực hiện mua chung nguyên vật liệu với số lượng lớn”, ông Lợi nói.
Bàn thêm về việc tăng chi phí logistics hiện nay, bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty ASL Logistics, cho biết chỉ trong quý I/2022 giá xăng dầu tăng lên rất cao (tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái) và chỉ giảm nhỏ giọt, trong khi giá xăng dầu cấu thành nên 40% của giá vận chuyển nội địa.
Chính vì vậy, điều tất yếu là các DN xuất khẩu nhận được thông báo giá vận chuyển nội địa tăng lên. Nhất là vào tháng 3/2022 vừa qua đã có đợt tăng rất lớn. Trong quý I/2022, nếu so với quý IV/2021 thì giá vận tải nội địa đã tăng lên 27,1%. Đây là con số tăng ngoài tầm kiểm soát của tất cả các DN.
Về giá cước vận chuyển quốc tế, theo bà Lan, tình hình tiếp tục bất ổn định khi mà tình trạng kẹt cảng trên toàn thế giới tiếp tục kéo dài, đặc biệt tại các cảng trung chuyển lớn hoặc các cảng lớn như Trung Quốc, Mỹ. Để quay lại giá cước về trước năm 2019 là rất khó, tình hình khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023.
“Mòn mỏi” xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ
Nếu như trước đây việc vận chuyển một lô hàng XK từ nhà máy sản xuất ở Việt Nam đến siêu thị của Mỹ kéo dài khoảng 52 ngày thì hiện nay thời gian vận chuyển đã tăng gấp đôi.
Từ đó, như nhận định của bà Lan, thời gian vận chuyển kéo dài làm cho các DN tốn kém nhiều chi phí về lưu trữ, chi phí trên biển và nhiều chi phí khác. Nhất là yếu tố kẹt cảng đã tác động mạnh đến vòng quay của container rỗng.
Khi làm việc với các DN logistics, nhiều nhà XK thắc mắc là tại sao lại không có container rỗng khi mà chúng ta đóng container rỗng để cung cấp vào thị trường. Thực tế container rỗng đã vào thị trường rất nhiều, nhưng hầu như đa phần đều nằm ở trên biển.
“Mặc dù tình trạng này đang cải thiện dần nhưng các con tàu vẫn đang xếp hàng dài, thậm chí có những lúc thời gian vận chuyển container từ cảng Cái Mép đi đến cảng Los Angeles (Mỹ) khoảng 17 ngày, nhưng một con tàu đợi ở phao số 0 của cảng Los Angeles là trong vòng 3 tuần lễ mới đưa hàng vào được đến cảng”, vị chủ tịch của ASL Logistics chia sẻ thêm.
Và khi hàng hoá của Việt Nam sau khi đưa vào đến cảng Los Angeles rồi, muốn chuyển về các tiểu bang hay các kho nội địa ở Mỹ lại phải mất đến 3 tháng vì không thể nào xoay vòng được để chuyển container.
Trở lại với mối băn khoăn về chi phí logistics của các nhà sản xuất đồ gỗ của Việt Nam khi XK vào thị trường Mỹ. Trong quý I/2022 giá vận chuyển đi bờ Đông nước Mỹ vẫn rất cao, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng tới 232%, và theo đánh giá thì giá vận chuyển trong tháng 4/2022 là 15.000 USD/container. Còn giá vận chuyển đi bờ Tây nước Mỹ tăng đến 318%, giá tháng 4/2022 là 11.000 USD.
Để cải thiện tình hình hiện nay, đối với chi phí vận tải nội địa, giới chuyên gia cho rằng các DN cần thoả thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách Swap Container (cách trao đổi container giữa chuyến nhập khẩu và chuyến xuất khẩu để nhà sản xuất không phải trả rỗng cho chuyến nhập và lại đi lấy rỗng cho chuyến xuất). Điều này nhằm giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển.
Còn với chi phí vận chuyển quốc tế, các nhà XK nên chủ động tìm kiếm các đại lý cấp 1 có thương hiệu, có uy tín trên thị trường vận chuyển nhằm tránh các booking (đặt chỗ với hãng tàu) hàng xuất nhập qua tay nhiều đại lý mới đến tay các nhà xuất nhập khẩu. Điều này nhằm tránh đẩy giá cước quá cao so với giá trị thực ban đầu, đặc biệt là các tuyến Bắc Mỹ, Châu Âu.
Thế Vinh