Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu ước đạt 52,87 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, mức tăng này lại thấp hơn mức tăng 7,2% của năm 2015 so với cùng kỳ năm trước đó.
Điều này làm giới phân tích kinh tế lo ngại khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước mới đạt chưa tới 30% so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2016 là 181 tỷ USD (tăng trưởng 10%).
16 tỷ USD/tháng, khó đạt!
Như vậy, trong 8 tháng còn lại của năm, cả nước phải đạt được kim ngạch xuất khẩu hơn 128 tỷ USD, tương đương khoảng 16 tỷ USD/tháng. Đây là thách thức lớn vì trung bình 4 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu bình quân cả nước chỉ đạt khoảng 13,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, mức kim ngạch xuất khẩu bình quân của năm 2015 đã là 13,5 tỷ USD/tháng.
Điều đáng nói, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 4 tháng qua ước đạt 15,1 tỷ USD, chỉ tăng có 2,9%. Còn xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 37,76 tỷ USD, tăng 7,3% và hiện chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, cho rằng để tăng xuất khẩu thì việc cần làm trong lúc này của các DN nội là xây dựng lại chiến lược sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp và cần phải tính đến chất lượng sản phẩm, so sánh các lợi thế để cạnh tranh được.
Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 có nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm nhiên liệu khoáng sản, đến 44,9%, ước đạt 0,9 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng thuộc công nghiệp chế biến có mức tăng nhẹ (trung bình khoảng 5%) như sản phẩm hóa chất chỉ tăng 2,5%, hàng dệt và may mặc tăng 6,2%, giày dép các loại tăng 4,8%.
Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ như sản phẩm từ cao su giảm 1,2%, gốm sứ giảm 4,7%. Một số nhóm hàng giảm sâu như phân bón các loại giảm 44%, chất dẻo nguyên liệu giảm 34,6%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 23,1%…
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác (chiếm tỷ trọng 5,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) cũng giảm 2,5%, ước đạt gần 2,8 tỷ USD. Trong xuất khẩu nông lâm sản, có hai mặt hàng giảm so với cùng kỳ là chè các loại giảm 14,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,5%.
Xuất khẩu của khu vực 100 vốn trong nước trong 4 tháng qua ước đạt 15,1 tỷ USD, chỉ tăng có 2,9%
Chưa tận dụng những ưu đãi
So với cùng kỳ năm trước, giá bình quân của đa số các mặt hàng đều giảm, trừ hai mặt hàng nhân điều (tăng 6,9%) và gạo (tăng 1,6%). Các mặt hàng còn lại có giá xuất khẩu bình quân giảm tương đối lớn do ảnh hưởng giảm theo giá thế giới: Cà phê giảm 18,2%, sắn giảm 26,1%, than đá giảm 25,8%, xăng dầu giảm 40,8%…
Mặc dù các mặt hàng trong nhóm nông - lâm - thủy sản có tăng mạnh trong 4 tháng qua như: Rau quả tăng 43,3%, nhân điều tăng 11,8%, gạo tăng 10,3%, nhưng không phải là không đáng lo, nhất là mặt hàng gạo.
Thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới được cho là sẽ bị ảnh hưởng vì Thái Lan xả kho khi một số đối tác tạm ngừng đặt mua hàng khiến giá một số loại gạo Việt Nam đi xuống. Theo các doanh nghiệp, giá lúa gạo nội địa bất ngờ sụt giảm mạnh một phần do chịu sức ép trước thông tin Thái Lan tuyên bố xả kho 11,4 triệu tấn gạo trong hai tháng 5 và 6/2016.
Hiện tại, nhiều cơ sở cung ứng gạo nguyên liệu cho DN xuất khẩu lẫn thương lái đã tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng thêm tình hình rồi mới tính tiếp khiến cho giá lúa gạo giảm mạnh.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, cần hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chẳng hạn với thị trường EU, thời gian qua bộ này đã xây dựng chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho các DN về Hiệp định EVFTA.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp (ngoại trừ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc AKFTA 85%) – trung bình 35%, tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu thuế MFN cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0 – 5%.
Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.
Một trong những lý do chính, đó là DN chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 – 5% mà các FTA mang lại.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP, với những điều khoản phức tạp và chặt hơn, sẽ còn khó khăn hơn.
Nếu bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về FTA thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi.
Thế Vinh