Sau nhiều đợt kêu cứu của các hiệp hội doanh nghiệp (DN), rốt cuộc Hội đồng nhân dân Tp.HCM đã phải thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau hơn 3 tháng triển khai.
Từ bài học bất cập ở Tp.HCM
Cụ thể, từ ngày 1/8, Tp.HCM sẽ giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và mức thu như nhau với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Tp.HCM hay ngoài thành phố.
Động thái nêu trên có thể hiểu như một cách “sửa sai” trong quy định về thu phí hạ tầng cảng khi Tp. HCM đã áp dụng mức thu chênh lệnh, thu không đúng đối tượng, không đảm bảo công bằng cho các DN trong bối cảnh đối mặt nhiều áp lực về chi phí.
Tp.HCM vừa “sửa sai” khi điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau hơn 3 tháng triển khai. |
Hơn nữa, nếu không sớm “sửa sai” với chính sách mang tính cục bộ địa phương như thế thì hệ luỵ xấu cho hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh của các DN sẽ còn tiếp diễn.
Nhất là việc thu phí không đúng đối tượng khi hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất cũng đều chịu chung một mức phí, chưa đảm bảo công bằng giữa các tỉnh thành phía Nam, không khuyết khích DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Hoặc như việc triển khai bán vé xe khách điện tử ở Tp.HCM từ ngày 1/7/2022 (dựa theo thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế, từ ngày 1/7, tất cả các DN phải sử dụng hóa đơn điện tử) cũng đang gây nhiều lúng túng, khó khăn cho các DN vận tải hành khách.
Tại Bến xe Miền Đông, các đơn vị vận tải hành khách đã phải tự trang bị máy in, máy vi tính và thông qua một đơn vị khác kết nối với Tổng cục Thuế để in vé.
Ông Phan Ngọc Triệu, đại diện một nhà xe tuyến Tp.HCM - Tuy Hoà (Phú Yên), cho biết dù nhân viên nhà xe đã được tập huấn nửa tháng trước đó nhưng đến nay vẫn nhiều lúng túng khi hệ thống gặp sự cố. Nhất là lúc đường truyền bị ngắt kết nối thì các nhân viên lập tức lúng túng ngay, công việc sẽ phải ngừng lại, còn hành khách thì phải chờ thật lâu.
Theo các nhà xe, dù đã triển khai được hơn một tuần lễ nhưng tình trạng lỗi của hệ thống bán vé điện tử vẫn thường xuyên xảy ra. Do không kết nối được Internet nên nhân viên nhà xe không thể bán được vé cho hành khách, ảnh hưởng đến giờ xuất bến của xe, khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.
Đừng tạo thêm gánh nặng tuân thủ
Bên cạnh chuyện lúng túng vì thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách Tp.HCM, lưu ý cần tránh đi theo vết xe cũ của việc lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc camera, lãng phí tiền của khi thiếu sự đồng bộ hoặc tích hợp.
Chưa kể, theo ông Tính, cách triển khai bán vé điện tử của các cơ quan nhà nước đang đẩy các DN, đơn vị vận tải vào thế khó khăn, bị động. Phía Hiệp hội có đề nghị cho gia hạn thêm ít nhất 6 tháng đối với xe khách liên tỉnh và một năm đối với xe buýt, để các đơn vị có đủ thời gian và nguồn lực tổ chức mua sắm, lắp đặt thiết bị.
Nhất là trong lĩnh vực vận tải hành khách ở Tp.HCM có đến 80% DN, hợp tác xã (HTX) là những hộ kinh doanh hoặc DN, HTX nhỏ lẻ, tức là những đối tượng chưa đủ điều kiện sẵn sàng cho việc áp dụng vé điện tử.
Như chia sẻ của đại diện một HTX xe buýt ở Tp.HCM, nếu đầu tư hoàn chỉnh hệ thống bán vé điện tử thì kinh phí cho tất cả hệ thống xe các đơn vị này lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Trong khi sau hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN, HTX xe buýt vẫn đang loay hoay trả nợ.
Nêu ra hai trường hợp bất cập như vậy ở Tp.HCM cũng là một bài học để cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách ở địa phương và các bộ ngành cần tránh tiếp diễn việc đưa ra những quy định trái khoáy hoặc triển khai không đúng thời điểm thích hợp khiến cho DN rơi vào tình trạng như “cá nằm trên thớt”.
Còn trên thực tế, trong một vài dự thảo luật, nghị định, thông tư có liên quan đến hoạt động của DN vừa được đưa ra để lấy ý kiến vẫn cho thấy có một mối lo là sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN.
Chẳng hạn như Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Bộ Tư pháp soạn thảo. Liên quan đến yếu tố sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới, ở Điều 17 Dự thảo quy định các DN cần nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro khi áp dụng công nghệ mới khác với công nghệ đang sử dụng.
Nhiều DN cho rằng quy định này chưa rõ ràng khi không rõ tiêu chí nào coi là “công nghệ mới khác với công nghệ đang sử dụng”. Còn theo giải trình của cơ quan soạn thảo, phạm vi công nghệ mới sẽ bao gồm tất cả công nghệ đang sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ tại đối tượng báo cáo.
Góp ý mới đây về Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng quy định với cách hiểu như trên dường như chưa thật sự phù hợp và tạo thêm gánh nặng tuân thủ cho DN. Dù áp dụng công nghệ nào, các DN đều phải thực hiện việc ban hành chính sách, quy trình quản lý rủi ro và áp dụng cho bất kỳ loại công nghệ nào được sử dụng.
“Quy định như vậy cũng không thật sự phù hợp khi một DN triển khai công nghệ mới, nhưng thực tế đã được cho phép trong văn bản pháp luật chuyên ngành”, VCCI lưu ý.
Thế Vinh