Vướng mắc cơ chế nói tới ở trên chính là Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo với nhiều điều kiện kinh doanh ràng buộc quy mô vượt quá mức cần thiết.
Cụ thể, Điều 4 của nghị định này yêu cầu doanh nghiệp (DN) kinh doanh XK gạo phải có kho ít nhất 5.000 tấn và có cơ sở xay xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Các điều kiện về quy mô này cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của các DN nhỏ, trong khi không rõ mục tiêu quản lý là gì.
Sửa mãi không xong!
Trước phản ánh của cộng đồng DN, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã quyết định sửa đổi, sau đó đăng tải công khai dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 về kinh doanh XK gạo để lấy ý kiến DN.
Dự thảo cũng đã đề xuất bãi bỏ tất cả những điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô DN. Dự thảo nghị định mới cũng đã được thẩm định tại Bộ Tư pháp từ cuối tháng 8/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) bày tỏ, cho đến hết tháng 6/2018, không rõ vì lý do gì Nghị định vẫn chưa được ban hành, trong khi cộng đồng DN đang rất chờ đợi để tạo điều kiện cho các DN triển khai kế hoạch kinh doanh.
Trên thực tế, sự chậm trễ này đang khiến nhiều DN mất đi cơ hội kinh doanh. Đơn cử, công ty Hồ Quang sản xuất gạo ST 24 có chất lượng thuộc top 3 thế giới, đạt chuẩn XK đi Mỹ, EU…, nhưng chưa thể XK trực tiếp vì vướng Nghị định 109.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, DN sản xuất gạo chất lượng cao không thể XK dưới thương hiệu của mình bởi không đáp ứng được các điều kiện mà Nghị định 109 đưa ra từ việc phải có kho chứa ít nhất 5.000 tấn cho tới cơ sở xay xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ…
Bà Lan khẳng định: "Nghị định có hiệu lực đến nay đã 8 năm, những điều vô lý trên từ đầu đã được góp ý nhưng ban soạn thảo không thay đổi, mãi tới năm ngoái, Bộ Công Thương đưa ra đề xuất sửa nhưng 14 tháng trôi qua vẫn không sửa xong. Thị trường thay đổi rất nhanh mà chính sách nhà nước sửa đổi chậm trễ như vậy, chắc chắn sẽ làm khó DN".
Liên quan tới điều kiện XK gạo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, từng chia sẻ bà cùng một đoàn DN chế biến và XK gạo của Việt Nam tham gia hội chợ nông sản tại Thái Lan. Tại đây, các DN Việt đưa loại gạo hữu cơ (gạo organic) chất lượng ngon của Việt Nam đi giới thiệu.
Các loại gạo Việt Nam được đổ ra các thuyền thúng để giới thiệu, quảng bá bắt mắt. Rất đông DN, giới truyền thông Thái Lam tìm hiểu, dò xét loại gạo Việt vì họ cho rằng gạo này có thể cạnh tranh với gạo Thái XK.
Tuy nhiên, một người trong nhóm người Thái có vẻ am hiểu Việt Nam bất ngờ nói: "Không lo đâu, vì loại gạo này khó có thể xuất đi được và không cạnh tranh với gạo Thái", lý do là bởi Việt Nam chưa cho XK gạo hữu cơ!
"DN làm gạo hữu cơ rất tốt và có thể làm được nhiều, nhưng hiện nay rất khó XK được vì chúng ta vẫn muốn XK đại trà các loại gạo với nhau", bà Hạnh đánh giá.
Gạo ngon khó có cửa xuất ngoại vì vướng điều kiện kinh doanh |
Chưa rõ bao giờ có
Theo bà Phạm Chi Lan, muốn XK bền vững, DN cần phải liên kết, người làm xay xát thì tập trung vào xay xát, người làm sản xuất gạo thì tập trung sản xuất (không nhất thiết sản xuất phải có đủ kho bãi)… Ngành lúa gạo phải chuyên môn hóa mới tận dụng được cơ hội.
Vì vậy, nếu cứ tiếp tục đưa ra quy định như Nghị định 109 sẽ khiến ngành lúa gạo không thể phát triển. Chưa kể, làm như vậy là lãng phí và không khuyến khích được sản phẩm chất lượng cao, vì giá trị một tấn gạo chất lượng cao có thể bằng 5-7 tấn gạo bình thường.
"Muốn đẩy mạnh XK mà chúng ta "trói tay" những DN đi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, DN gia tăng giá trị XK thì có nghĩa đã đi ngược lại với mong muốn", bà Lan chia sẻ.
Đại diện cho Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết Nghị định 109 ra đời trong bối cảnh hoạt động XK lúa gạo rất hỗn loạn, các DN tranh mua tranh bán, dìm giá, thậm chí hiện tượng này hiện nay vẫn còn diễn ra. Thời điểm đó, Nghị định 109 được ban hành góp phần đưa XK gạo vào trật tự, khuôn khổ. Đó là hiệu quả tích cực không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng thị trường gạo hiện nay không phải chỉ tập trung vào một số thị trường như Indonesia, Malaysia hay Philippines…, mà mở ra nhiều thị trường mới. Đồng thời, không phải chỉ một số DN lớn mới có thể XK gạo, mà các DN nhỏ cũng làm được, xuất sang nhiều thị trường ngách khác.
Đầu năm 2017, Bộ Công Thương bãi bỏ quy hoạch thương nhân XK gạo là bước "cởi trói" cho DN. Hiện, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 109. Theo đó, các thương nhân XK gạo đặc biệt như gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo thơm không nằm trong diện phải đăng ký, cấp phép, tạo điều kiện cho DN XK nhiều hơn. "Nghị định mới này sẽ được ban hành trong thời gian tới", ông Hải cho biết.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, XK gạo tháng 7 ước đạt 382.000 tấn với trị giá 195 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
XK gạo trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội do nhu cầu nhập khẩu về cuối năm của một số thị trường chính như Philippines và các nước Trung Đông sẽ tăng, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết ngành gạo cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn tăng XK do thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, giá gạo cũng sẽ khó giữ ở mức cao do đồng USD tăng giá gây sức ép lên giá XK; nguồn cung ở Việt Nam và Thái Lan cũng đang tăng do sắp thu hoạch vụ Hè-Thu với tín hiệu được mùa. Do đó, các DN cần tập trung đẩy mạnh kiểm soát và nâng cao chất lượng gạo XK, chủ động tìm kiếm thêm các thị trường mới có nhiều tiềm năng và giá trị cao.
Theo các chuyên gia và DN, để nâng cao giá trị XK, việc làm trước hết là phải sớm "cởi trói" cho DN XK gạo khỏi những điều kiện vô lý mà Nghị định 109 đang yêu cầu.
Lê Thúy
Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty Luật Basico Thời gian qua, Nghị định 109 đang có những quy định cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của DN nhỏ, thậm chí hãm hại nhiều thương nhân trong ngành. DN kiên trì kiến nghị 8 năm trời mà đến nay vẫn không thấy tăm hơi của sự sửa đổi. Đó là minh chứng cho thấy bộ máy quản lý hành động quá chậm chạp khi mà thời gian sửa sai còn cao hơn "tuổi thọ" của DN. Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đẩy nhanh quá trình ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế triệt để Nghị định 109, qua đó xóa bỏ các đặc quyền mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang được trao theo Nghị định 109 bao gồm: vấn đề hợp đồng tập trung, vấn đề giá sàn và vấn đề đăng ký hợp đồng XK. Trong đó, Chính phủ cần mạnh tay xóa bỏ cơ chế giá sàn và vấn đề đăng ký hợp đồng XK. Thay vào đó, Chính phủ thiết lập các kỷ luật XK bằng cách sẵn sàng cho phá sản, giải thể hoặc chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào các công ty nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa các tổng công ty, giảm ưu đãi cho các công ty XK gạo chất lượng thấp, giá thấp khi xét các tiêu chí thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Nghị định 109 rất cần bãi bỏ nhưng không biết vướng ở khâu nào mà chậm trễ như vậy. Thời gian sửa sai của cơ quan quản lý đủ để "giết chết" hàng loạt DN trong một năm. Thực sự, DN không đủ kiên nhẫn "sống" để chờ sự thay đổi từ chính sách. |