Theo Báo cáo Doanh nghiệp (DN) Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 của Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu (NK) 235.138 tấn gạo từ thị trường Thái Lan, chiếm tới 89% tổng lượng gạo NK.
Báo cáo này đánh giá người Việt ngày càng thay đổi thói quen tiêu dùng, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thay vì giá cả, trong khi ngành lúa gạo Việt Nam vẫn chạy theo sản lượng mà chưa thực sự chú trọng nhiều tới chất lượng. Vì vậy, một số đối tượng người tiêu dùng trong nước đã thay thế dần gạo trong nước bằng các loại gạo có chất lượng cao hơn từ Thái Lan, Campuchia.
Gạo ngoại “lấn sân” nhờ chất lượng?
Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Việt Lào là DN đứng đầu về khối lượng NK gạo. Giá trị NK gạo của công ty này trong năm 2017 đạt 1.837 tỷ đồng và tỷ trọng khối lượng chiếm tới 56,9% tổng khối lượng gạo NK của cả nước.
Tiếp đến là công ty TNHH Hùng Tiến với giá trị NK 66,3 tỷ đồng, chiếm 2,3%; công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Tân Việt Long với gần 24 tỷ đồng, chiếm 1,5%.
Thực tế, cuộc “so găng” giữa gạo nội và ngoại không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra nhiều năm qua.
Ông Hoàng Văn Họa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Văn (huyện Thanh Oai, Hà Nội), chia sẻ: Tháng 7/2013, nhãn hiệu tập thể “gạo Bồ Nâu” Thanh Văn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận.
Sản phẩm cũng được công nhận thương hiệu hàng hóa nông sản sạch, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, gạo Bồ Nâu được phân phối ở thị trường Hà Nội với giá trung bình 17 – 19 triệu đồng/tấn.
“Có thương hiệu song việc tiêu thụ gạo còn khó khăn, chủ yếu thông qua thương lái và bán cho các đại lý nhỏ lẻ. Những năm gần đây, việc tiêu thụ còn vất vả khi người tiêu dùng Thủ đô có nhiều lựa chọn với gạo của các tỉnh, thành phố và nước ngoài nhập khẩu”, ông Họa cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Hưng, cho biết năm 2015, gạo thơm Bối Khê được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Khi có thương hiệu, HTX thường xuyên quảng bá, tham gia các hội chợ thương mại, tuy nhiên đến nay chưa có DN nào đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, chủ yếu vẫn là HTX tự sản, tự tiêu qua thương lái.
Các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá sự khác nhau về mặt giá trị dinh dưỡng giữa gạo Việt Nam, gạo Nhật, gạo Hàn hay gạo Campuchia… là rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến tình trạng dinh dưỡng ở người sử dụng.
Vì vậy, dinh dưỡng không phải là lý do khiến người tiêu dùng bỏ một khoản tiền cao gấp nhiều lần để mua gạo ngoại, trong khi giá trị dinh dưỡng cũng tương đương gạo Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là vì gạo ngoại có các giống chất lượng cao và đầu tư bài bản để xây dựng thương hiệu nên đáp ứng được nhu cầu ẩm thực ngày càng phong phú và đa dạng của người tiêu dùng Việt.
Xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới nhưng mỗi năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 300.000 tấn gạo |
Có thương hiệu, mới dễ bán hàng
Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương), cho rằng là nước xuất khẩu (XK) gạo lớn của thế giới không có nghĩa Việt Nam không NK gạo. Đừng nghĩ việc NK gạo ngoại là một cái gì sai trái, đó là đòi hỏi kích thích phát triển thương hiệu gạo, sản xuất gạo với chất lượng cao hơn.
Theo ông Thắng, hiện nay, một số người dân có thu nhập khá thường ăn gạo thơm của Thái Lan, Campuchia... Điều đó có nghĩa gạo của Việt Nam chưa cạnh tranh tốt để phục vụ nhu cầu của một nhóm đối tượng nào đó tại thị trường trong nước.
Theo các chuyên gia, bản thân gạo Việt Nam cũng có nhiều giống tốt, chất lượng cao nhưng qua thời gian dài sản xuất lúa gạo chỉ quan tâm đến tăng năng suất, tăng sản lượng, trong khi các giống lúa thơm chất lượng cao lại đang bị thoái hóa.
Do đó, để cạnh tranh với gạo ngoại, ngành lúa gạo Việt Nam phải bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy từ việc đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất các giống lúa có chất lượng cao.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, Nhà nước cần có cơ chế cho các đơn vị bán lẻ tiềm năng lớn và hỗ trợ cho các DN này lớn mạnh, tiếp nhận hàng hóa của DN sản xuất lúa gạo, có như vậy sản phẩm gạo Việt Nam mới có cơ hội thắng thế trên “sân nhà”.
“Ngoài việc tập trung xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm của các DN, sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kênh phân phối, bán lẻ là cần thiết để hạt gạo Việt thơm ngon, an toàn luôn hiện diện trong mâm cơm của mọi gia đình”, bà Chi nhấn mạnh.
Cùng với đó, về XK, cơ hội trong năm 2018 của ngành lúa gạo rất sáng, dồn dập đơn hàng, tuy nhiên, ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, đánh giá XK gạo khởi sắc vì nhu cầu của Philippines và Malaysia đang tăng và nguồn gạo họ hướng đến là những loại gạo có phẩm cấp trung bình, không phải loại gạo thơm nên Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Do nhu cầu thị trường lớn nên việc chúng ta đẩy giá lên cũng là điều dễ hiểu.
Ông Thắng nhận định gạo Việt Nam dù XK đứng thứ hai thế giới nhưng chủ yếu XK theo số lượng và vô danh – có nghĩa là XK dưới dạng gạo 5% tấm, 25% tấm chứ không có thương hiệu gì.
Theo chuyên gia này, một số DN nhỏ cố gắng xây dựng thương hiệu của mình đã được thừa nhận ở một số thị trường. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, DN lớn lại thờ ơ với điều này. Đó là nghịch lý.
Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cũng đã nhận thức rằng cần tìm thương hiệu gạo, có chương trình xây dựng thương hiệu gạo, tuy nhiên cách hiểu và cách làm chưa phù hợp.
“Chúng ta đang cố đi tìm giống nào đó để trao cho nó thương hiệu gạo quốc gia, ai được thì được trợ cấp. Cách làm như vậy chưa thực sự phù hợp. Tôi khẳng định không có một giống lúa nào đủ sức đại diện cho toàn thể hạt gạo Việt Nam”, ông Thắng nói.
Ông Thắng lý giải mỗi vùng đất ở Việt Nam có khí hậu, tập quán, canh tác, thổ nhưỡng khác nhau. Có thể giống này phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng khác. Trong khi đó, nhu cầu của thế giới cũng không giống nhau, cùng là ăn gạo nhưng tiêu chuẩn rất khác nhau: người Mỹ ăn gạo dài mềm; người châu Âu, Đông Bắc Á ăn gạo thơm, dẻo…
“Cần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cho từng thị trường, từng vùng nhất định. Tìm xem với giống lúa đó phù hợp với thổ nhưỡng ở đâu để có sản xuất phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng”, ông Thắng phân tích. Đồng thời xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung, đảm bảo chất lượng đồng bộ cho sản phẩm.
Lê Thúy
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc công ty Nông nghiệp cao Trung An Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam có vai trò quan trọng nhất, bởi khi có thương hiệu sẽ có thị trường tiêu thụ, chứ không cần phải đi xúc tiến hay tìm kiếm thị trường. Nếu không có thương hiệu, dù Nhà nước hỗ trợ cả nghìn tỷ đồng thì gạo Việt Nam vẫn không bán được hoặc bán với giá rất thấp. Ông Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) Thương hiệu không phải tự nhiên mà có, chúng ta phải xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả. Hiện nay, chi phí xúc tiến thương mại đã ít nhưng cách thực hiện còn phân tán, chủ yếu tập trung vào các chuyến đi hội chợ, triển lãm chứ chưa tập trung đầu tư xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu gạo ở một thị trường cụ thể nào đó với cách làm bài bản từ năm này qua năm khác. Gs. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp Để bán được giá cao như gạo ngoại, bên cạnh việc đầu tư chọn giống tốt, ngành nông nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thì mới có thể cạnh tranh không chỉ trên thế giới mà phải ngay cả tại “sân nhà”. |