Tuần vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2024. Việt Nam nổi bật khi đạt vị trí số 1 thế giới ở 3 chỉ số quan trọng: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Kết quả này không chỉ cho thấy sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn là minh chứng rõ ràng cho thành công của chủ trương “Make in Việt Nam”, đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang tích cực mở rộng ra thị trường quốc tế, mang về nhiều tỷ USD. |
“Gieo công nghệ, gặt ngoại tệ”
Theo thống kê từ Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 doanh nghiệp làm phần mềm. Các doanh nghiệp đã và đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài, mang về doanh thu đáng kể. Tính đến hết năm 2023, hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài đem về khoảng 7,5 tỷ USD.
FPT là một trong những điển hình thành công trong khai phá thị trường quốc tế. Năm ngoái, tập đoàn đã lần đầu cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài. 7 tháng đầu năm 2024, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT đạt 21.553 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ, trong đó công ty thắng thầu 28 dự án quy mô trên 5 triệu USD. FPT đặt mục tiêu sẽ chinh phục cột mốc doanh thu 5 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Ngoài FPT, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ số nổi bật khác của Việt Nam cũng đã và đang gặt hái được thành công như Rikkeisoft, TMA Solutions, NashTech, KMS Technology, CMC…
Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu công nghệ số truyền thống của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các hệ thống công nghệ trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn Nhật Bản trong các lĩnh vực trọng điểm như tài chính - ngân hàng, bán lẻ, năng lượng, logistics… vẫn đang sử dụng những hệ thống công nghệ được xây dựng từ hơn 2 thập kỷ trước. Nhìn thấy cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng cường sự hiện diện với các khoản đầu tư mở văn phòng, thành lập doanh nghiệp mới tại quốc gia này. Riêng FPT Japan đã thiết lập tới 18 văn phòng với 3.500 nhân sự làm việc trực tiếp.
Không riêng thị trường Nhật Bản, nhìn rộng ra thế giới, tiềm năng gia tăng doanh thu từ mảng xuất khẩu công nghệ số Việt Nam là rất lớn.
Theo Tập đoàn Gartner, dự báo chi tiêu công nghệ số toàn cầu năm 2024 ước đạt khoảng 5.000 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023 và tiếp tục gia tăng khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Con số 7,5 tỷ USD doanh thu hiện nay của doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam tại thị trường nước ngoài so với tổng chi tiêu này cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
“Mỏ vàng” chờ khai phá
Theo các chuyên gia, công nghệ số Việt Nam đạt được thành tựu xuất khẩu ấn tượng là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố then chốt như chính sách hỗ trợ, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), nguồn nhân lực trẻ và năng động, chi phí cạnh tranh, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, khả năng nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số… Sự kết hợp hài hòa của các yếu tố trên đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ số Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, dù đạt được những thành tựu đáng kể, xuất khẩu công nghệ số của Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức đáng kể như cạnh tranh quốc tế gay gắt, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, hạn chế về vốn và đầu tư, chưa làm chủ công nghệ lõi… Ngoài ra còn một số thách thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số chậm trong một số ngành và lĩnh vực kinh tế cũng làm hạn chế cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Theo ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, cần nhấn mạnh tới 2 nhóm vấn đề gồm cơ chế chính sách, hành lang pháp lý và nguồn nhân lực.
Ông Trung cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài là một nội dung quan trọng đang được rà soát, cập nhật bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ cũng đã triển khai nhiều hoạt động, đơn cử như việc thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; tổ chức các đoàn đưa doanh nghiệp sang Singapore, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha kết nối với hơn 3.000 doanh nghiệp quốc tế trong các phân khúc BPO, ITO, Fintech, chip bán dẫn…; tổ chức hơn 100 cuộc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Ngoài ra, Bộ cũng đã tổ chức giới thiệu hơn 50 sản phẩm công nghệ “Make in Việt Nam” tiêu biểu đến toàn thế giới tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.
Riêng tại thị trường Nhật Bản, nhận thấy nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm tại đất nước này ước tính hơn 30 tỷ USD/năm, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đạt 6 - 7% thị phần, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã chủ động thành lập Hiệp hội chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan) vào tháng 7 vừa. VADX Japan đặt mục tiêu doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật đạt 150 tỷ Yên (1 tỷ USD) vào năm 2025 và 1.000 tỷ Yên (7 tỷ USD) năm 2033; bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ hàng chục ngàn kỹ sư chất lượng cao tại Nhật và hàng trăm ngàn kỹ sư thành thạo tiếng Nhật tại Việt Nam. Đây được xem là hướng đi chiến lược vì theo dự báo, thiếu hụt kỹ sư là một trong những rào cản lớn của ngành phần mềm trong thời gian và cần cấp bách khắc phục.
Ông Bùi Thanh Tùng, Chuyên viên chính, Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Công nghiệp ICT Thời cơ đang rất chín muồi để cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển ra nước ngoài. Thứ nhất, hàng trăm năm mới có một cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra như hiện nay, với rất nhiều cơ hội. Bộ đang đẩy mạnh việc hỗ trợ đưa các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Thứ hai, Chính phủ đang đẩy mạnh chiến lược phát triển ngành bán dẫn. Thứ ba, bối cảnh thị trường thế giới hiện nay rất ủng hộ Việt Nam. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ. Ông Nguyễn Huy, Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Phygital Labs Để chuẩn bị tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ Việt muốn ra "biển lớn", ngoài việc tự học thì cần có mạng lưới các công ty Việt giúp đỡ. Bên cạnh đó, rất cần các chính sách của Chính phủ để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp. Một khi đã đủ các yếu tố về chất lượng và giá cả, doanh nghiệp sẽ không gặp thêm trở ngại nào nữa về hành chính, pháp lý, kế toán... |
Đỗ Kiều