Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, vấn đề mới nhất được đề xuất bổ sung là thủ tục đầu tư đặc biệt dành cho các dự án công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Theo đó, nhà đầu tư sau khi nộp hồ sơ đăng ký cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong thời hạn 15 ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, dự án đầu tư đăng ký theo thủ tục đặc biệt sẽ không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành có thể làm mất đi cơ hội trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư. |
Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội
Lâu nay các thủ tục hành chính được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất, thậm chí là rủi ro tại môi trường đầu tư Việt Nam. Do đó, đề xuất thủ tục ''siêu tốc" như trên nhận được nhiều ủng hộ, kỳ vọng đây có thể là “át chủ bài” để thu hút đầu tư.
Thực tế, thời gian qua, nhiều đại bàng công nghệ thể hiện sự quan tâm, cam kết hợp tác đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, mở ra triển vọng sáng cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao.
Gần đây nhất, tại buổi tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 và làm việc tại New York, các tập đoàn Apple, Meta, Super Micro và 2 quỹ đầu tư Blackstone, Warbug Pincus đều đánh giá cao và mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Đơn cử, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann đánh giá Việt Nam không chỉ là thị trường tuyệt vời của Apple mà còn là cứ điểm sản xuất để tập đoàn cung cấp hàng hóa cho thế giới. Apple đánh giá cao triển vọng đầu tư vào Việt Nam, cũng như giá trị của thị trường Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng của tập đoàn.
Còn ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Meta cho biết có kế hoạch gia tăng sản xuất tại Việt Nam đối với các sản phẩm kính thực tế ảo Metaverse - mũi nhọn mới nhất của tập đoàn. Ông Eric Schmidt, nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Google nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phần mềm của châu Á và cam kết sẽ đưa nguồn vốn từ Hoa Kỳ đến các công ty phần mềm chuyên về AI của Việt Nam.
Trước đó, tại chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 7, nhiều tập đoàn hàng đầu nước này đã thông báo kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như LG dự kiến giải ngân thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới; Samsung dự kiến đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu; Hyosung cam kết "đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam", xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn 300 triệu USD tại TP. HCM…
Rõ ràng, sự hiện diện và động thái liên tục thúc đẩy cơ hội hợp tác của các nhà đầu tư chiến lược thuộc lĩnh vực công nghệ cao cho thấy sức hút của Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên chúng ta không phải quốc gia duy nhất đặt mục tiêu tập trung thu hút những dòng vốn này. Thực tế, Việt Nam đang ở trong một cuộc cạnh tranh ngầm nhưng hết sức quyết liệt với nhiều đối thủ trong khu vực và thế giới nhằm ổn định, khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xu hướng. Các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan đều đã có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, nhờ vậy đã thu hút được những dự án rất lớn. Trong khi đó, có hiện tượng một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng không lựa chọn Việt Nam; một số dự án công nghệ cao có dấu hiệu tạm ngừng đầu tư mới, mở rộng; một số doanh nghiệp lựa chọn chờ đợi để theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam…
Các chuyên gia nhận định, để không bỏ lỡ những dự án bạc tỷ trong tương lai, Việt Nam cần có lợi thế cạnh tranh nổi bật. Intel trước đây đã nói với Nikkei Asia rằng "Việt Nam nên hiện đại hóa các chính sách khuyến khích để hỗ trợ các nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu mới trong tương lai nhằm duy trì khả năng cạnh tranh".
Thủ tục đầu tư siêu tốc là lời giải?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành thường mất nhiều thời gian, trung bình từ 250 - 350 ngày. Trên thực tế, còn có thể kéo dài hơn. Do vậy, việc bổ sung quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư là cần thiết và cấp bách.
Bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao về tính khả thi của thủ tục đặc biệt: “Vì đây là những ngành hẹp chỉ thực hiện tại các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất nơi đã có đất sẵn, có hệ thống xử lý nước thải, có hệ thống phòng cháy, chữa cháy”.
Là luật sư tư vấn về đầu tư, đất đai và đã "quen" với các dự án phải mất hàng năm để xin đủ loại giấy phép cần thiết, ông Phạm Thanh Tuấn đánh giá đề xuất thủ tục đặc biệt giống như cơ chế thủ tục "luồng xanh" trong lĩnh vực Hải quan. Đây là một hướng tiếp cận mới, thay đổi cơ bản trong việc quản lý nhà nước về đầu tư.
“Cơ chế xin - cho được chuyển thành đăng ký đầu tư với các nội dung cam kết, từ tiền kiểm sang hậu kiểm… Quy định trên nếu thành hiện thực có thể tạo sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư chiến lược. Điều này khiến tôi nhớ lại cụm từ mà các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư thường đề cập - dọn tổ cho đại bàng", ông Tuấn bình luận.
Theo Dự thảo, những dự án đầu tư nước ngoài có thể chỉ cần 15 ngày để hoàn thành các thủ tục trước khi doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, “thủ tục đặc biệt” này từ Dự thảo đến khi có hiệu lực thi hành còn một chặng đường dài, trong khi “giai đoạn vàng” đón làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam không còn dài, đặc biệt với lĩnh vực bán dẫn.
Dẫu vậy, những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian “treo” dự án là việc trong tầm tay của các cơ quan liên quan có thẩm quyền, với sự quyết tâm lớn từ những người đứng đầu.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP. HCM trong một cuộc phỏng vấn đã "khoe" tin vui rằng năm 2023, suất đầu tư bình quân vào các khu chế xuất – khu công nghiệp của thành phố đạt 8,1 triệu USD/ha, tăng mạnh so với năm 2022 và giai đoạn 2016 – 2021. “Kết quả tích cực có được sau khi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết đối với nhiều thủ tục. Đặc biệt có những thủ tục đã giảm 30% thời gian hay có những thủ tục giải quyết chỉ trong một ngày làm việc”, ông Hưng nói.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam Chúng ta đã có rất nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư và đã tạo ra một môi trường đầu tư khá hấp dẫn để FDI mang theo công nghệ cao đến Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề như chưa có nhiều dự án mang đến công nghệ cao, chưa tạo ra sự lan tỏa về công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, FDI chưa thật sự “xanh”. Đặc biệt, còn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao và có ảnh hưởng lớn đến một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc Vấn đề cải cách thủ tục hành chính trước, trong và sau đầu tư rất quan trọng và cần thiết. Đặc biệt tại các khu công nghệ cao do tính chất cho thuê đất trực tiếp, phải tuân thủ nhiều quy định của các điều luật khác nhau nên thủ tục mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, việc cải cách, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa là yêu cầu quan trọng để tạo điều kiện, sức hấp dẫn trong việc thu hút nhà đầu tư”. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những lợi thế thu hút đầu tư vào TP.HCM tuy nhiên cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút và giữ chân các "đại bàng", trong đó thủ tục hành chính phải nhanh. Với các nhà đầu tư lớn, chi phí cơ hội rất lớn nên chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp tối đa và đặc biệt là các chính sách cần sự ổn định. |
Đỗ Kiều