Trong tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tăng thuế lên mức 25% với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ trong năm 2018. Ở chiều ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng thuế lên mức 25% với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ…
Dễ bị tổn thương
Kim ngạch thương mại hàng năm hiện vượt mức 185% GDP khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Vì vậy, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định Việt Nam rất dễ bị tổn thương nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
“Hơn nữa, do phụ thuộc vào xuất khẩu (XK), nếu có sự gián đoạn về thương mại quốc tế sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh thương mại, XK toàn cầu giảm sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam”, ông Eric cho biết.
Trong một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đề cập tới điều này.
Cụ thể, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, XK hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng XK của Mỹ. Trong khi đó, XK của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% giá trị XK của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ XK sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc.
Theo VEPR, sự chệch hướng thương mại có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các bên muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ.
Trường hợp XK thép của Trung Quốc được cho là đã đi qua Việt Nam để XK sang Mỹ hồi năm 2016-2017 là một ví dụ. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng XK của mình.
Điều này càng đặc biệt đáng lo ngại khi Mỹ đang là thị trường XK số một của Việt Nam.
Nhìn một cách khách quan, sở dĩ XK của Việt Nam đối mặt nhiều rủi ro là vì trong giai đoạn vừa qua vẫn chưa phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, giá trị gia tăng của hàng hóa XK còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ, hàng hóa thô và sơ chế, bao gồm cả dầu thô, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK.
Ts. Ngô Tuấn Anh,_trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích: XK của các mặt hàng dựa vào tài nguyên chiếm dưới 10% tổng kim ngạch XK và tỷ lệ này gần như không thay đổi. Giá trị gia tăng của hàng hóa XK thấp. Hàng hóa XK ngoài khoáng sản, nhiên liệu thô còn có hàng hóa nông nghiệp với 90% là sản phẩm thô và sơ chế.
Hàng công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, lắp ráp dựa trên việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy, bán thành phẩm, điều đó phản ánh một nền kinh tế trình độ thấp, chủ yếu khai thác tài nguyên và lao động rẻ.
Trong khi đó, số lượng thị trường XK hàng hóa Việt Nam được mở rộng, nhưng kim ngạch XK lớn chỉ tập trung vào một vài thị trường quen thuộc. Những mặt hàng XK chủ lực bị phụ thuộc vào một vài thị trường trọng điểm nên dễ gặp rủi ro lớn khi các thị trường này có biến động. Lo ngại từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một bằng chứng.
Kim ngạch XK lớn chỉ tập trung vào một vài thị trường quen thuộc |
Phụ thuộc vào FDI
Đơn cử, cao su và rau quả phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thủy sản phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, gạo phụ thuộc thị trường Đông Nam Á, dệt may chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, da giày phụ thuộc chủ yếu vào thị trường EU. XK cà phê nhân phụ thuộc vào một số tập đoàn đa quốc gia có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.
“Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp (DN) Việt chưa đủ năng lực về nhiều mặt để thâm nhập sâu rộng vào các thị trường thế giới”, Ts. Ngô Tuấn Anh đánh giá.
Chưa kể, thành quả XK hiện nay vẫn chủ yếu nhờ vào khối DN ngoại. Theo ông Lê Đăng Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), những nhóm hàng có kim ngạch XK có xu hướng tăng trưởng XK cao trong năm nay sẽ tập trung vào hàng nông sản, dệt may, da giày…
Đây sẽ là nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam trong năm nay và thời gian tới. Tuy nhiên, những nhóm hàng này vẫn chủ yếu thuộc về các DN FDI nên kim ngạch XK năm 2018 có thể tăng nhưng rất khó tạo ra đột phá.
Hay dù là cường quốc về XK nông sản, với nhiều mặt hàng như cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều… nhưng Việt Nam vẫn chưa có những DN có khả năng thống lĩnh và dẫn dắt chuỗi giá trị này.
Đồng thời, chính sách đẩy mạnh XK mới chỉ chú trọng đến bề rộng, chưa chú trọng đến nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu sản phẩm, những ngành_mang lại giá trị gia tăng lớn. Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc đa dạng hóa các sản phẩm XK và chuyển dịch lên trên chuỗi giá trị toàn cầu, chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, còn nhiều lúng túng và bị động trong ứng phó với các rào cản thương mại mới của nước ngoài (tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, dư lượng kháng sinh, nhất là các vụ kiện chống bán phá giá).
Theo các chuyên gia, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và có những hướng dẫn cụ thể để DN nắm bắt, hiểu biết và có thể tận dụng tối đa các cơ hội XK, mở rộng thị trường mới, nghiên cứu khả năng đàm phán các FTA hoặc hiệp định song phương mới với các đối tác mới (như khu vực châu Phi, Trung Đông…).
Đồng thời, đánh giá các FTA thế hệ mới, tăng cường đàm phán các FTA với các quốc gia có hàng hóa bổ sung với Việt Nam, ví dụ như các FTA hiện tại chỉ có Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung tương đối cao, Chilê ở mức vừa phải. 11 đối tác còn lại (9 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ) có tính bổ sung thấp, nếu như không nói là cạnh tranh với Việt Nam.
Lê Thúy
Ts. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại XK vẫn dựa khá nhiều vào khối DN FDI nên một trong những điểm cần giải quyết trong năm 2018 và cả tương lai xa hơn là làm sao dần nâng cao sức cạnh tranh cho DN nội. Trong năm 2018, hy vọng đặt ra là những cải cách trong nước sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, tiếp tục cổ phần hoá DN nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh… Ông Lê Đăng Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương Có một lĩnh vực mà chúng ta đang có lợi thế cạnh tranh và có khả năng phát triển mạnh là XK dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, vận tải, giáo dục, chuyên gia…, đồng thời phát triển lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy phát triển phương thức XK tại chỗ để gia tăng giá trị cho hàng hóa XK. Ts. Ngô Tuấn Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Thành công trong XK hay không cuối cùng cũng phụ thuộc vào năng lực nội tại của các DN. Do đó, các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh đối với hàng XK, lựa chọn được đúng mặt hàng mà các DN trong nước có lợi thế và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cũng như phải có được sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại. |