Trong phiên thảo luận những ý kiến còn khác nhau về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ngày 24/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng trong sự phát triển của nền kinh tế số, kinh doanh điện tử và giao dịch xuyên biên giới diễn ra khá phổ biến.
Để quản lý thuế đối với hoạt động này, có hai nội dung rất quan trọng mà cơ quan thuế đã cải cách là thực hiện hóa đơn điện tử và thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên nội dung này chưa thực sự được quản lý một cách hiệu quả trong việc chống thất thu thuế.
Thất thoát thuế vô cùng lớn
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) cho rằng thời gian qua, công nghệ phát triển giúp phương thức kinh doanh không còn dừng lại ở mô hình truyền thống, thay vào đó, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) cũng ngày càng nhiều. Dự báo trong thời gian tới, lượng người kinh doanh TMĐT sẽ tăng gấp hai lần mỗi năm, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, việc quản lý thuế lại chưa bắt kịp xu hướng kinh doanh mới này khiến thất thoát thuế vô cùng lớn. "Các hiệp hội TMĐT cũng đánh giá rằng thất thoát về thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT tới cả tỷ USD mỗi năm. Đây là lỗ hổng lớn mà chúng ta chưa giải quyết được", bà Tuyết nói.
Đánh giá về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ 7, bà Tuyết cho rằng, dự thảo Luật lần này có đưa một số điều liên quan tới TMĐT, nhưng ngoài vấn đề quản lý cần nâng cao ý thức và khuyến khích người kinh doanh TMĐT tự nguyện đăng ký để huy động được nhiều người tự nguyện tham gia nộp thuế.
Dự thảo Luật cũng quy định có sự liên thông và kết nối giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là đối với ngân hàng và các hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng quy định tại các điều không làm rõ vai trò của ngân hàng.
Bà Tuyết phân tích: Hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong lĩnh vực TMĐT là vấn đề xác định doanh thu, nhưng làm sao truy thu được số tiền thuế này thì vai trò của ngân hàng là rất lớn. Tuy nhiên trong dự thảo Luật lại không quy định rõ trách nhiệm của ngân hàng để thực thi vấn đề này và kết nối với cục thuế cũng như các bộ, ngành có liên quan.
"Do đó, tôi cho rằng trong Luật cần nghiên cứu để có thể tận thu được lĩnh vực TMĐT – lĩnh vực tiềm năng phát triển rất lớn, mang lại nguồn thu rất lớn, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước", bà Tuyết nói.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đồng tình cho rằng Luật Quản lý thuế cần hướng vào việc làm thế nào để quản lý các giao dịch kinh doanh trên mạng theo một nền kinh tế số.
"Tôi cho rằng đó là một trong những vấn đề mà Luật Quản lý thuế sửa đổi cần được nhắc tới. Tuy nhiên, nội dung này còn khá mới mẻ nên việc quản lý có lẽ chưa thực sự rõ nét", ông Cường nói.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng thời đại công nghệ 4.0 phát triển mà không sử dụng hóa đơn điện tử thì sẽ thất thu thuế rất lớn.
Tăng cường kiểm soát kinh doanh thương mại điện tử |
Sớm chấm dứt hóa đơn giấy
Ông Phương cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng hoạt động chuyển giá để giảm, miễn thuế và đã có DN bị phát hiện, xử lý. Trong đó, nhiều DN sử dụng hóa đơn ảo để hợp lý hóa chi phí, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.
"Hóa đơn bằng giấy, hóa đơn ảo đang lưu hành "ngầm" trong nền kinh tế rất nhiều, kể cả các cơ quan nhà nước cũng có", ông Phương nói. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng cán bộ thuế thỏa hiệp, tạo điều kiện cho DN trốn thuế.
Vì vậy, ông Phương đề nghị sớm chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử.
Ông Phương dẫn ví dụ ở Canada trước đây cũng có hiện tượng trốn thuế, gian lận thương mại, sau khi phát hiện sự việc đã sửa đổi cách quản lý thuế rất chặt chẽ. Hay tại Hàn Quốc, hầu hết khách du lịch đến nước này đều phải thực hiện thanh toán qua thẻ, nên ngành thuế quản lý được mỗi khách du lịch chi tiêu bao nhiêu tiền…
Do đó, trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này, ông Phương đề xuất bổ sung: Cấm hành vi lợi dụng chuyển giá để sắp đặt trốn thuế, hưởng lợi, bởi hiện nay, rất nhiều DN lợi dụng hoạt động chuyển giá để giảm thiểu số thuế. Cấm xuất hóa đơn ảo làm hợp lý hóa chi phí nguồn ngân sách, gây thất thoát nguồn thu ngân sách quốc gia. Cấm cán bộ thuế thỏa hiệp, tạo cơ hội cho DN trốn thuế và gian lận thương mại".
Góp ý về vấn đề thu thuế, quản lý các giao dịch kinh doanh trên mạng, đại biểu Nguyễn Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề cập: "Trong Luật lần này đã đề ra vấn đề thu thuế TMĐT, nhưng nếu so sánh giữa việc thu thuế từ kinh doanh trực tiếp và thu thuế từ kênh TMĐT thì không có sự công bằng bởi nguồn thu từ TMĐT cho đến nay vẫn còn thất thoát rất nhiều".
Ngoài ra, theo ông Hòa, tăng cường kiểm soát đối với việc kinh doanh TMĐT còn góp phần kiểm soát hàng giả, hàng nhái, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Hoàng Hà