Đứng ở góc độ doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu (XK) nông sản, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế, CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho biết sức mua của khách hàng ở một số thị trường như Mỹ, Anh, Australia, Canada thời gian qua có sự sụt giảm.
Tác động đến sức mua
Nguyên do là từ thương chiến Mỹ – Trung leo thang kéo dài dẫn đến đồng tiền các nước này giảm giá, ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh, làm tác động đến sức mua của khách hàng đối với sản phẩm của công ty.
Để xoay trở trong thế khó, nhằm đứng vững ở thị trường Mỹ, EU hay Australia, DN đã phải chuẩn bị rất kỹ về chất lượng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài việc đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), công ty còn phát triển thêm vùng nguyên liệu nông sản hữu cơ (organic) nhằm tận dụng xu hướng tiêu dùng tại những thị trường này.
Bà Hạnh chia sẻ thêm: vì tỷ trọng sản phẩm gia công XK của công ty khá nhiều, nên để phát triển thương hiệu riêng cần có thêm thời gian, nhất là qua kênh thương mại điện tử quốc tế.
“Thực tế, việc rao bán sản phẩm của Betrimex trên Amazon thời gian qua là thông qua một đơn vị thứ ba. Tức là họ mua hàng của công ty rồi rao bán trên Amazon. Tất nhiên, trong định hướng sắp tới của công ty là tiếp cận được kênh bán hàng toàn cầu này”, bà Hạnh nói.
Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc công ty AA Long An, đồng thời là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biễn gỗ Tp.HCM (Hawa), nhu cầu nhập khẩu (NK) sản phẩm gỗ ở thị trường Mỹ vào khoảng 60 tỷ USD/năm, trong đó NK từ Trung Quốc chiếm khoảng một nửa.
Hiện nay, Mỹ áp mức thuế NK 25% với sản phẩm gỗ Trung Quốc, nên chỉ cần 10% thị trường NK gỗ của Mỹ có sự dịch chuyển thì XK sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể tranh thủ rất nhiều. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội không phải dễ dàng, cơ hội đến nhưng mức độ đầu tư của DN như thế nào mới quan trọng.
“Theo quan sát của cá nhân, tôi thấy có 2 nhóm DN trong ngành gỗ đang nắm bắt cơ hội tốt hơn. Thứ nhất là nhóm DN của Đài Loan có mặt tại Việt Nam đã lâu. Thứ hai là các công ty của Trung Quốc đang dịch chuyển vào Việt Nam, thậm chí là họ mua các DN Việt hoặc các DN có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Phương nhận định.
Mặc dù vậy, Phó chủ tịch Hawa đánh giá các DN Việt trong ngành chế biến gỗ vẫn có cơ hội để gia tăng kim ngạch XK khi mà việc tiếp cận công nghệ, máy móc mới ngày càng dễ dàng hơn. Vấn đề còn lại là tùy vào khả năng của từng DN.
DN Việt cần tính toán dài hơi trước rủi ro trong XK |
Tính toán dài hơi
Có thể nói, sức ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đến nay vẫn rất “nóng” đối với các DN XK. Tại Hội thảo “Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của DN Việt?” tổ chức ở Tp.HCM cuối tuần qua, giới chuyên gia đã khuyến nghị các DN Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh Việt Nam nên giảm NK từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng NK các sản phẩm này từ Mỹ. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các DN cần đẩy mạnh XK vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.
“Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt”, ông Tuyển nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết Việt Nam thời điểm này chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng đã cảnh báo trên các nội dung: Việt Nam xuất siêu lớn, từ vị trí thứ 6 đầu năm 2018 đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ hiện nay. Mỹ cho rằng Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngọai tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP).
Tại Diễn đàn thương mại Việt – Mỹ 2019 mới đây, bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Amcham Hà Nội, đã lưu ý Việt Nam không phải là đối tượng hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Vì vậy, các DN Việt cần hết sức cẩn thận trong chuyện này.
Điểm đáng lo ngại là DN Trung Quốc có thể thông đồng với một số DN Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách XK sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ). Giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ việc thép và nhôm).
Ở vai trò cơ quan quản lý, hỗ trợ DN gia tăng các hoạt động XK, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhận định các tác động tâm lý của thương chiến là cực kỳ lớn làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng trên thế giới. Tức là có những rủi ro mà DN XK cần tìm cách tính toán các bài toán quản lý những rủi ro đó.
“Đây là rủi ro lớn đối với cộng đồng DN Việt. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải suy nghĩ, có cách tiếp cận dài hạn để giảm thiểu những rủi ro này”, ông Linh bộc bạch.
Thế Vinh