Thống kê cho thấy Việt Nam đang là một trong những quốc gia sản xuất xi măng nhiều nhất thế giới. Nhưng vị thế về sản lượng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với tăng trưởng kinh tế nếu tăng trưởng sản lượng tỷ lệ nghịch với tăng giá trị.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2018, xi măng và clinker là nhóm hàng xuất khẩu (XK) có mức tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2017, tăng 63,2% về lượng và tăng 73,4% về kim ngạch, đạt 17,65 triệu tấn, tương đương 656,3 triệu USD.
Xuất nhiều, thu ít
XK nhiều đáng lẽ phải mừng nhưng nghịch lý đang tồn tại với ngành xi măng là sản phẩm XK với giá rất rẻ. Giá XK xi măng và clinker đạt trung bình 37,2 USD/tấn, trong khi tại thị trường trong nước bán 77.000-85.000 đồng/ bao (50kg), tương đương 63-74 USD/tấn.
Không chỉ rẻ hơn nhiều giá bán trong nước, giá xi măng XK của Việt Nam cũng vào hàng thấp nhất khu vực. Xi măng Thái Lan XK khoảng 65 USD/tấn, Indonesia: 102 USD/tấn, Philippines: 100 USD/ tấn. Hiện đang xuất hiện tình trạng doanh nghiệp (DN) Trung Quốc mua xi măng Việt Nam với giá rẻ, sau đó XK sang châu Phi.
Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, XK xi măng và clinker sang Trung Quốc tăng đột biến, gấp 80 lần về lượng và gấp 90 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,52 triệu tấn, tương đương 158,35 triệu USD, chiếm 25,6% tổng lượng và chiếm 24,1% tổng kim ngạch. Giá XK chỉ đạt trung bình 35 USD/tấn.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề: Vì sao giá xi măng Việt Nam rẻ hơn các nước? XK xi măng sang các nước mà giá chỉ bằng 1/2 so với Thái Lan, Indonesia, rõ ràng là đang bán rẻ tài nguyên.
Hơn nữa, hiện nay, trong cơ cấu XK, tỷ lệ clinker chiếm 70%, còn lại 30% là xi măng thành phẩm. Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh đó là nghịch lý của ngành xi măng.
Giá clinker rẻ như vậy mà sao Việt Nam XK tới 12-13 triệu tấn/năm, trong khi xuất xi măng chỉ 1,5 triệu tấn? Như thế nghĩa là Việt Nam đang bán tài nguyên thô, đang đào tài nguyên lên bán.
PGs. Ts. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng trước hết cần phải nhìn nhận xi măng là ngành có tác động rất lớn đến môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, việc định hướng phát triển ngành xi măng để đảm bảo phục vụ thị trường trong nước, nếu dư thừa thì tiến hành XK là điều cần thiết.
Cần thiết nhưng nếu giá XK xi măng thấp hơn giá bán trong nước và thấp hơn nhiều so với nước trong khu vực, đây là điều không thể chấp nhận, nhất là khi xi măng là ngành gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, hiện nay, XK xi măng đang được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, để tạo điều kiện cho XK xi măng, Nghị định 146/2017/NĐ-CP (hiệu lực từ 1/1/2018) áp dụng từ sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ- CP đã cho phép áp dụng thuế XK 0% với xi măng.
Theo quy định cũ, khi XK đối với sản phẩm XK là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế XK 0%.
Đó là chưa kể tới một số ưu đãi khác như giá điện bán cho xi măng hiện chỉ khoảng 914 đồng/kWh, thấp hơn giá điện bình quân là 1.183 đồng/kWh.
Đang xuất hiện tình trạng nhiều DN Trung Quốc mua xi măng Việt Nam với giá rẻ, sau đó XK sang châu Phi |
Đầu tư không theo quy hoạch
Đại diện cho DN sản xuất xi măng, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, phân trần rằng XK xi măng là tất yếu do dư cung.
Hiện cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp khô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia.
Song thực tế, năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia (tỷ lệ các nhà máy đang thực hiện).
Con số này vượt xa nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước. Năm 2015, tiêu thụ nội địa đạt 55,3 triệu tấn; năm 2016 là 59,3 triệu tấn.
"Hiện nay, nước ta còn nghèo, ngành xi măng còn thị trường để XK thì tại sao lại không XK để mang ngoại tệ về phục vụ phát triển. Chưa kể, quy hoạch đã có nhưng vẫn cho đầu tư ầm ầm, không XK thì đổ đi đâu?", ông Cung đặt vấn đề.
Thực tế, mấy chục dự án xi măng trong quy hoạch đến nay chưa thực hiện được bởi năng lực của chủ đầu tư. Còn nhiều dự án theo quy hoạch có công suất nhỏ nhưng thực tế triển khai thì công suất thậm chí lớn gấp 3-4 lần.
Ông Nguyễn Quang Cung cho rằng nói có cần XK xi măng nữa hay không là do thị trường quyết định và hiện nay, với nền kinh tế đang phát triển, rõ ràng XK xi măng đang có lợi. Không nên và không thể so sánh Việt Nam với Trung Quốc hay nước nào đó trong XK xi măng được, vì nhiều nước đã vượt xa chúng ta rất lâu và nếu cần so sánh thì phải trên một mặt bằng.
"Việt Nam vẫn cần XK xi măng, bởi vẫn có thị trường để XK", ông Cung nhấn mạnh một lần nữa.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng quy hoạch ngành xi măng là câu chuyện đã được đề cập từ 10 năm trước nhưng quy hoạch tổng thể chi tiết mang tính pháp lệnh gần như không có. Một số năm gần đây, nhiều nhà máy xi măng nhỏ vẫn len lỏi xây dựng ở các địa phương miền núi, gây ô nhiễm môi trường.
Rõ ràng, việc đầu tiên phải làm trong thời gian tới là phải có một bản quy hoạch tương đối cụ thể, có lộ trình thực hiện nghiêm ngặt với ngành xi măng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, phần lớn DN trong ngành sản xuất xi măng đang có trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp thế giới; đặc biệt là DN sản xuất xi măng vừa và nhỏ, trình độ công nghệ sản xuất xi măng kém, mức độ gây ô nhiễm môi trường lớn.
Mặc khác, các chuyên gia cho rằng chính sự cạnh tranh kém lành mạnh, hạ giá giữa các DN sản xuất xi măng đã đẩy giá xi măng và clinker ở Việt Nam vào hàng thấp thế giới. Điều đó dẫn tới việc sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, chưa đủ tái đầu tư cũng như bù đắp xứng đáng cho những thiệt hại môi trường.
Vì vậy, việc tái cấu trúc DN xi măng theo hướng tinh gọn, tăng năng suất, tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, hướng tới phát triển bền vững là bước đi cần thiết.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng từ nay đến hết năm 2025, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… để giảm áp lực cho ngành xi măng. Trong điều kiện hiện nay, đây là giải pháp hết sức cấp bách. PGs. Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Đưa ra quy hoạch, quy định nhưng không có cơ chế giải pháp buộc thực thi sẽ không ai thực hiện. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần phải nâng cao năng lực, có kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp không thực hiện đúng quy hoạch, tổ chức, cá nhân cố tình phá vỡ, làm trái quy hoạch. Có như vậy mới đưa ngành xi măng đi vào nền nếp theo đúng đường lối phát triển mong muốn. Ts. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Tại sao nói xi măng của Việt Nam tốt mà vẫn bán giá đó hay buộc phải bán giá thấp? Nếu nói đây là chiến lược thì tôi cho rằng chưa bao giờ thấy Việt Nam đủ sức dùng chiến lược đánh chiếm thị trường bằng giá thấp, rồi về sau tăng giá. |