Từ một loại cây dại mọc tự nhiên ở dọc ven bờ biển, gần đây, người nông dân ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) bắt đầu thuần hóa, nhân giống và trồng cây sa sâm. Loại rau này sau khi được thu hoạch mang về chế biến thành bột sa sâm – một sản phẩm thảo dược mới trên thị trường.
Trong hai năm qua, một doanh nghiệp (DN) đã liên kết với người dân vùng biển ở địa phương để tạo vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm bản địa này theo hướng hữu cơ. Sản phẩm bột sa sâm được chế biến theo công nghệ của Nhật, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế.
Liên kết chế biến sâu
Với mong muốn phát triển sản phẩm bản địa tại địa phương mình, ông Phù Tường Nguyên Dũng, Giám đốc CTCP Sa Sâm Việt, cho biết sẽ nhân rộng mô hình liên kết với người nông dân để những vùng đất trồng loại sâm này mang lại giá trị cao và thu nhập cao cho nông dân.
Đây có thể được xem là một trường hợp điển hình cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm bản địa thông qua việc chế biến sâu và sạch với sự liên kết giữa DN và nông dân.
Hoặc như mới đây, tỉnh Hậu Giang đã xúc tiến đăng ký thương hiệu cho làng trầu Vị Thủy, một sản phẩm bản địa có tiếng lâu nay. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết huyện đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký thương hiệu làng trầu Vị Thủy.
"Chúng tôi đang hướng dẫn người dân nơi đây trồng trầu theo phương pháp hữu cơ để tạo cái nhìn thân thiện về miếng trầu. Huyện dự định sẽ mở du lịch homestay thí điểm tại làng trầu Vị Thủy", ông Vui chia sẻ.
Làng trầu Vị Thủy được xem là còn lại độc nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 25ha. Trầu được trồng tập trung chủ yếu ở xã Vị Thủy. Đầu tháng 9/2018, giá bán trầu là 3.800 đồng/ốp. Mỗi đợt thu hoạch, sau khi trừ chi phí, tính mỗi công đất (1/10ha), nông dân lãi khoảng 9 triệu đồng.
Một cuộc khảo sát cho thấy "tính bản địa" là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng (NTD) tương lai, bên cạnh các từ khóa: Tiết kiệm, bền vững, công nghệ, sức khỏe, đơn giản, tự do.
Đó là những từ khóa của những NTD được "mệnh danh là "NTD số". Trên thế giới, số lượng "NTD số" đang chiếm tỷ lệ "khủng" từ 40-77% tùy theo thị trường. Tại Việt Nam, tỷ lệ này là 59%.
Đánh giá cao tầm quan trọng của nông sản bản địa tại Việt Nam, Ts. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT tại Australia) cho rằng cần phải xây dựng thương hiệu, đặc biệt chú trọng đến tính an toàn thực phẩm để đáp ứng tốt yêu cầu của giới tiêu thụ về: Sạch, an toàn; chất lượng cao; giá phải chăng; minh bạch, đúng hẹn.
"Có như vậy mới đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông thôn và làm giàu cho nông dân", ông Vọng nhấn mạnh.
Sản phẩm bản địa cần có thương hiệu mạnh, giá trị cao |
Thương hiệu mạnh, giá trị cao
Việc xây dựng thương hiệu từ sản phẩm bản địa được cho là không phải lúc nào cũng "xuôi chèo". Đặc biệt là liệu sản phẩm bản địa có đáp ứng trúng nhu cầu, thị hiếu NTD mục tiêu và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn hay không.
Xu hướng phát triển của chuỗi giá trị nông nghiệp được bắt đầu từ thị trường tiêu thụ sản phẩm đến công nghệ chế biến, bố trí, tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Nếu phát triển sản phẩm bản địa cũng cần lưu ý chuyện này. Bởi lẽ, lâu nay có nhiều nông sản bản địa tại vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung lại thực hiện theo hướng ngược lại, tức là xuất phát từ chọn giống, bố trí sản xuất, thu gom, chế biến ra thành phẩm rồi mới quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Do sự kết nối các khâu trong chuỗi giá trị chưa được chặt chẽ và thiếu bền vững nên sản phẩm bản địa vẫn chưa làm chủ được thị trường mà lại chịu sự chi phối hoàn toàn từ thị trường tiêu thụ.
Hơn nữa, rất cần tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ liên quan đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng như tổ chức đăng ký, bảo hộ thương hiệu của DN.
Trong vấn đề xây dựng thương hiệu đối với tài nguyên bản địa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và NTD tương lai chính là "NTD số", cách tiếp cận với thương hiệu không dừng lại ở những kênh truyền thống.
"Theo đó, toàn bộ hành trình từ lúc hình thành sản phẩm đến tay NTD đều có thể hoàn toàn kiểm soát qua kênh internet, mang đến trải nghiệm cho NTD trước khi họ quyết định mua sản phẩm. Vì vậy, cách tương tác, tính chất, nền tảng hoàn toàn khác với truyền thống", bà Vân lưu ý.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là làm sao DN có thể chế biến sản phẩm bản địa thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, giá trị cao? Để làm được điều này, giới chuyên gia cho rằng cần chấm dứt hiện trạng "tự phát – sản xuất thiếu tổ chức". Song song đó là việc hình thành các nhà DN có tâm với nông dân và có tầm (với khả năng thực hiện chuỗi giá trị) đối với tài nguyên bản địa.
Theo đó, khi nông dân thu hoạch nông sản nguyên liệu bản địa, DN cần thu mua sòng phẳng, và tiến hành chế biến sản phẩm, đăng ký thương hiệu, bảo quản sản phẩm đến khi xuất hàng ra thị trường.
Thế Vinh