Đây là nhận định được đưa ra tại Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021” vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố ngày 25/4.
Theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đứng trước ba thách thức lớn. Đó là, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam do một số bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa.
Ngoài ra, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu....cộng thêm chiến tranh Nga – Ukraine leo thang, đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Theo đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.
Báo cáo đánh giá, diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn đến kinh tế. Cho đến ngày 11/3/2022, trung bình giá xăng dầu tăng 45,2% so năm năm 2021, và nếu theo Dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được thực hiện thì giá xăng dầu tăng 41%.
"Nếu giá xăng dầu tăng 45,2%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%. Trong trường hợp Dự thảo được thực hiện, giá xăng dầu tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%; chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%", PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay.
PGS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày nội dung Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2021 |
Bên cạnh đó, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn. Tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát.
Cuối cùng là những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng "nóng" trên thị trường bất động sản và chứng khoán. Hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng...
"Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng", PGS.TS. Tô Trung Thành cho hay.
Chia sẻ thêm về những thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, thị trường trong nước lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái. Vì vậy để đạt được tăng trưởng 6,5%, các quý sau phải đạt được mức tăng trưởng hơn 6%, để bù đắp lại phần thiếu hụt của quý I là 5,03%. Đây là thách thức không nhỏ.
Xét về tổng cầu nền kinh tế vẫn còn thấp, nhưng Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế từ quý IV/2021, nên dù có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt được mức cao như thời điểm trước đó.
Mặc dù vậy, các chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ là khó có khả năng đạt được.
Đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo từ các chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị: Thứ nhất, Chính phủ cần quán triệt ba quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách. Đầu tiên, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh "sống chung với COVID-19".
Thứ hai, đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng.
Cuối cùng, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.
Thanh Hoa