Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có tổng diện tích trồng cây ăn trái vào khoảng 10.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong đó, diện tích chuối đã trồng 5.000 ha, chủ yếu xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết Công ty đã bán chuối cho Trung Quốc được 5 năm. Đặc thù hàng xuất đi Trung Quốc được bán theo tuần, thứ Năm hàng tuần, HAGL chào giá trên sàn giao dịch, thứ Sáu chốt giá và Chủ nhật xuất đi.
Đơn hàng không thiếu nhưng lo đội chi phí
Phía Trung Quốc đặt hàng và báo số lượng về, HAGL tự đóng hàng theo tiêu chuẩn rồi xuất hàng đi, trước khi hàng tới cảng 3 ngày sẽ gửi bộ chứng từ cho bên mua để họ làm thủ tục và thanh toán. "Thực ra, HAGL không còn chuối để bán, không có hàng tồn kho. Đối với thị trường Trung Quốc thì chỉ có vấn đề giá chứ không có vấn đề tồn kho. Công ty đã có uy tín với thị trường nên trong thời gian dịch COVID-19 vẫn bán được chuối", đại diện Công ty cho biết.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng khoảng 6-8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD. |
Còn với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Chủ tịch HAGL cho hay, giá bán ký hợp đồng theo năm, mỗi năm ký một lần, tiêu chuẩn vô cùng cao, chiếm khoảng 25% sản lượng XK.
"Cách đây 2 năm, giá bán chuối của HAGL thấp hơn Philippines từ 0,5 - 1 USD/thùng, giờ thì bằng hoặc có khi cao hơn. Đây là thông tin tích cực", ông Đức thông tin.
Tuy nhiên, trước câu hỏi HAGL có chịu tác động khi chi phí logistics "leo thang" hay không, Chủ tịch HAGL thừa nhận hiện có ảnh hưởng do tăng giá vận chuyển vì Trung Quốc áp dụng chính sách "zero COVID". Nhưng, Công ty đánh giá đây là ảnh hưởng tạm thời, vì Trung Quốc cũng phải thay đổi chính sách theo tình hình.
Điều mà Chủ tịch HAGL quan tâm nhất là quản trị biến động giá chuối. Ông Đức cho hay biến động giá chỗ nào cũng có, hiện tại đang tránh bằng cách quản lý sao cho giá thành hạ xuống tối đa để có giá vốn 5.000 đồng/kg, nếu thị trường Trung Quốc xấu hoặc Philippines cạnh tranh thì cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Có thể thấy, hoạt động XK của Việt Nam đang phục hồi nhưng cũng phải đối mặt với những yếu tố bất lợi. Trong đó, những tác nhân phải kể tới là thương mại toàn cầu phục hồi chậm lại do tác động của chiến sự Nga - Ukraine, tình hình dịch bệnh bùng phát và chủ trương "zero COVID" ở Trung Quốc.
Thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Tuy tháng 5 sụt giảm nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa vẫn tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 152,81 tỷ USD.
Năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6-8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD. Như vậy, để đạt được con số này, XK cần phải tăng tốc, thích ứng với tình hình mới.
Chủ động thích ứng
Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia nhận định Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, việc quốc gia này vẫn đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo và XK của Việt Nam trong những tháng tới.
WB đánh giá dù đơn hàng XK dồi dào, hoạt động sản xuất phục hồi, lao động ổn định, song các ngành sản xuất chủ yếu cũng đang phải gồng mình trong "cơn bão giá", vì hầu hết các chi phí sản xuất đầu vào đều tăng cao do tác động kép từ đại dịch và xung đột Nga - Ukraine.
Năm 2022, Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 18% và 77% so với kết quả thực hiện trong năm 2021. Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng cho biết, Công ty đã kín đơn hàng đến quý III và chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý IV. Năm nay, các đơn hàng khá tốt, các thị trường hồi phục nhiều, đặc biệt là Mỹ.
Để chạy đua với các đơn hàng này, Công ty dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nhận diện những khó khăn, ông Tùng cho biết Công ty không chịu ảnh hưởng bởi chính sách zero COVID nhưng cũng gặp phải khó khăn không ít từ "cơn bão" giá bông do tác động của dịch COVID-19 và căng thẳng Nga - Ukraine.
Thực tế, giá bông tăng cao có ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Dệt may Thành Công. Do vậy, Công ty đã đàm phán với khách hàng tăng giá sản phẩm tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, việc nhập khẩu bông và sản xuất ra sợi, vải cũng giúp Công ty có sức cạnh tranh hơn do với các DN phải mua nguyên liệu hoàn toàn.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Dệt may Thành Công Jung Sung Kwan cũng cho rằng khủng hoảng do dịch bệnh gây ra đem đến nhiều khó khăn, do đó bài toán đặt cho DN là làm sao có thể tạo ra được động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng lâu dài. Thách thức đến từ yếu tố khách quan bên ngoài: chi phí nhân công tăng cao thì việc tuyển dụng được lao động trong ngành dệt may cũng là bài toán lớn với các DN hiện nay.
"Chi phí vận tải tăng cao, các khách hàng Mỹ dần dần chuyển các nhà máy của họ từ Việt Nam về Trung Mỹ. Đây là thách thức lớn đối với Thành Công và ngành dệt may", ông Jung Sung Kwan nói và cho rằng DN cần phải chủ động ứng phó để tiết giảm chi phí.
Ông Trần Quốc Khánh Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương vẫn quyết tâm hỗ trợ DN để thực hiện mục tiêu tăng trưởng XK năm 2022 là 8%. Tuy nhiên, DN cần chủ động để đối phó với những rủi ro như lạm phát cao khiến nhiều nước phải giảm dần quy mô các gói kích thích kinh tế, đồng thời tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, từ đó dẫn đến giảm nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng. XK phụ thuộc vào nhu cầu thế giới, dẫn đến nhu cầu giảm thì XK sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là rủi ro do đứt gãy chuỗi cung ứng và thiết hụt nguyên liệu đang ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, xuất phát từ xung đột địa chính trị Nga - Ukraine, chính sách zero COVID của Trung Quốc. Chuỗi cung ứng toàn cầu có vấn đề thì XK của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Ông Phạm Văn Việt Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) DN đã nhận đơn hàng đến tháng 9 năm nay, chốt giá xong xuôi. Mỗi ngày, trung bình công ty xuất đi 1 container. Song hiện nay, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, DN tính toán giá năm nay có thể tăng thêm 5-8% so với năm ngoái. Trước áp lực chi phí đầu vào, DN dệt may dù có đơn hàng đầu ra dồi dào nhưng chủ yếu làm để giữ khách hàng, chứ lợi nhuận không có nhiều. Ông Nguyễn Tuấn Việt Giám đốc Công ty Vietgo XK của Việt Nam vẫn có lợi thế với từ các Hiệp định thương mại tự do - đây chính là dư địa để đẩy mạnh XK. Hơn nữa, Việt Nam có vị trí về địa lý để đẩy mạnh XK thông qua "con đường cao tốc" lớn nhất thế giới bắt đầu từ vùng biển Hoa Đông - Trung Quốc đến Hàn Quốc, Nhật Bản... nên có lợi thế về chi phí vận tải. Điều này cần được tận dụng. Thêm vào đó, điều quan trọng là DN cần phải chủ động kênh thông tin để gặp được khách hàng, người mua cuối cùng, thay vì bán trung gian cho các nhà mua hàng của Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. |
Nhật Linh