Tại tọa đàm "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay khi nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị tổng ngành nông nghiệp năm 2021 là trong năm 2022 đạt trên 48,6 tỷ USD (con số của năm 2021). Sau đó, ngành nông nghiệp đã đặt mục tiêu năm nay phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt trên 50 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan |
Đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm. Tất nhiên, Bộ trưởng Hoan cho rằng chặng đường phía trước như thế nào, vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng trong 5 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn như COVID-19, vấn đề giao thương qua cửa khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
"Để đạt được kết quả đó, chúng tôi thấy tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, mặc dù quá trình này không phải dễ dàng", ông Hoan cho biết.
Trước những thách thức về chi phí vật tư đầu vào tăng cao, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết đã bắt đầu giao cho viện, trường nghiên cứu. Một trong những chiến lược sắp tới là tính tới chi phí, bởi chi phí chúng ta có thể quyết định được, chứ giá bán đầu ra thì cung cầu thị trường thế giới sẽ quyết định.
"Thành ra giảm chi phí nông nghiệp là một chiến lược chúng tôi cho rằng nên đi đúng hướng. Rất nhiều mô hình của chính bà con nông dân tự nghĩ ra hoặc của các dự án, những mô hình mà Bộ Nông nghiệp cùng các tổ chức quốc tế định hình ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng Sông Hồng, kể cả ở Tây Nguyên trong lĩnh vực cà phê. Chúng ta đạt được mục tiêu kép, một là giảm chi phí, hai là chất lượng tăng lên", ông Hoan cho biết.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng cần phải tập trung hỗ trợ phát triển thị trường, nắm bắt thông tin thị trường, chuẩn mực thị trường để điều chỉnh lại sản xuất. Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành liên tục có những cuộc đàm phán về thị trường. Khi kích hoạt được thị trường thì dòng chảy nông sản mới trôi chảy.
Ông Hoan chia sẻ thêm trong những phiên đàm phán với các đối tác, các tổ chức quốc tế, những nhà lãnh đạo thế giới thời gian vừa qua thấy rằng, mấu chốt là làm sao để mở cửa thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Nghĩa là sự tháo gỡ thị trường là một trong quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ.
"Tất nhiên chúng ta cũng cần biết rằng thị trường luôn biến động. Thời gian vừa qua, nhiều khi phát triển thị trường chưa thành một chương trình tổng thể mà chúng ta vẫn đi theo mối quan hệ là "buôn chuyến" nhiều hơn. Do vậy, ngành nông nghiệp cần lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường", ông Hoan nêu giải pháp.
Nhật Linh