Ông Shibata Masayuki, chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế của Hiệp hội Xúc tiến giao lưu đầu tư và thương mại Nhật Bản (MIPRO), cho biết đối với Nhật Bản, Việt Nam là một quốc gia đang rất được chú ý, do số người nhiễm Covid-19 là khá ít. Việc nhập khẩu (NK) nông sản thực phẩm từ Việt Nam – nơi có ít người nhiễm Covid-19 là chủ đề vô cùng được quan tâm tại Nhật Bản hiện nay.
Tuân thủ tiêu chuẩn và khâu kiểm dịch
Về quy định chung khi xuất khẩu (XK) nông sản thực phẩm vào Nhật Bản, ông Shibata lưu ý cần thực hiện thủ tục cần thiết về kiểm dịch động thực vật do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp phụ trách.
Người tiêu dùng Nhật rất quan tâm đến mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt |
Theo vị chuyên gia này, đối với Nhật Bản, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) dành cho nông sản thực phẩm NK là cực kỳ quan trọng. Nếu đã có C/O, có trường hợp thuế NK tại Nhật Bản sẽ giảm đi. Và các doanh nghiệp (DN) Việt khi XK nông sản sang Nhật cần lưu tâm chuyện này.
“Khi XK thực phẩm vào Nhật Bản, các DN cần thực hiện các thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thực phẩm, và thủ tục thông quan. Với rau củ quả, kiểm dịch thực vật là cần thiết. Sau đó là kiểm dịch thực phẩm, cuối cùng là thủ tục thông quan”, ông Shibata nói.
Chia sẻ tại hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản về hàng tiêu dùng được tổ chức mới đây với sự tham gia của gần 90 DN trong các lĩnh vực hàng nông lâm thủy sản, ông Shibata nhấn mạnh về việc các DN Việt cần nắm rõ và tuân thủ “luật chơi” về hệ thống kiểm dịch và tiêu chuẩn NK để nông sản Việt vào thị trường Nhật được tốt hơn trong thời gian tới.
Thông tin từ hội nghị giao thương này cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,83 tỷ USD với sự đóng góp không nhỏ của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Nhật Bản có nhu cầu NK lớn hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại…, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.
Điển hình là hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam mới đây đã được chính thức NK vào Nhật Bản và được người tiêu dùng tại nước này đón nhận, tiêu thụ nhanh chóng tại hệ thống siêu thị ở Tokyo, Osaka và đánh giá cao về chất lượng.
Kinh nghiệm từ quả vải thiều
Tuy vậy, ngay cả câu chuyện XK vải thiều Việt vào Nhật cũng là cả vấn đề gian nan khi phải mất đến 5 năm đàm phán giữa hai bên. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, phía Thương vụ đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng NK quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản trong 3 lần: tháng 11/2018, tháng 5/2019 và tháng 11/2019.
Đến giữa tháng 12/2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam (Bộ NN&PTNT) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam XK trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật NK đối với vải thiều Việt Nam.
Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam XK vào Nhật Bản bao gồm: Quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải XK phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều XK phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Theo ông Shibata, trước đây, hoa quả từ Việt Nam không thể NK vào Nhật Bản, nhưng giờ đây đã khác. Có một thời kỳ, việc NK này bị cấm do Việt Nam có loại ruồi giấm mà Nhật Bản không có. Những quy định cho hoa quả Việt Nam, bao gồm cả xoài, đã thay đổi nên cần xác nhận cẩn thận với nhà NK.
“Kiểm dịch động thực vật NK được quy định rất chi tiết nên DN cần chú ý. Khi XK vào Nhật Bản cũng cần cả chứng nhận kiểm dịch do Chính phủ Việt Nam ban hành”, vị chuyên gia này lưu ý thêm.
Có thể nói, để nông lâm thuỷ sản Việt rộng đường hơn nữa khi XK vào thị trường Nhật Bản trong thời gian tới đòi hỏi các DN Việt không thể dễ dãi. Đặc biệt là khi hệ thống kiểm dịch và tiêu chuẩn NK nông sản thực phẩm ở Nhật Bản hết sức ngặt nghèo, có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm dịch.
Các DN XK cũng không được quên những bài học về một số sản phẩm nông sản thực phẩm đã từng bị phía Nhật Bản thu hồi do không đảm bảo các điều kiện về an toàn theo quy định chi tiết của nước này nhằm tránh lặp lại các sai sót đáng tiếc.
Thế Vinh