Ở buổi Tọa đàm "Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo" tổ chức ở Hà Nội ngày 15/8, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch CTCP tập đoàn Asanzo, tiếp tục cho rằng doanh nghiệp (DN) của mình bị oan trước những chỉ trích là nhập linh kiện Trung Quốc về rồi gắn mác hàng Việt Nam.
Thiếu vắng các quy định
Ông Tam cũng khẳng định không có chuyện DN lừa dối người tiêu dùng khi ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng tivi. Bởi lẽ, theo quy định về việc ghi nhãn hàng hóa, Asanzo phải ghi xuất xứ cho tất cả các hàng hóa lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Vấn đề của Asanzo có thể sẽ còn được bàn cãi nhiều trong thời gian tới, nhưng có thể thấy rằng để các DN không rơi vào vòng luẩn quẩn gian lận xuất xứ đòi hỏi cần gấp rút ban hành Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Trong tài liệu hỏi đáp về dự thảo thông tư này mới được phát ra cũng thể hiện quan điểm của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, sự thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.
Với dự thảo thông tư diễn ra trong bối cảnh đầy tranh cãi về sản phẩm điện tử của Asanzo, Bộ Công Thương cho biết Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các DN chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.
"Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ts Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng xuất xứ hàng hóa vẫn là một trong những thách thức lớn của hàng Việt khi cạnh tranh trên thị trường cũng như để hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Đây là vấn đề rất lớn.
Việc thiếu vắng các quy định khiến DN lúng túng về xuất xứ hàng hóa |
Tránh nhập nhèm "đội lốt"
Theo ông Lịch, việc nhập khẩu nguyên liệu về lắp ráp trong nước diễn ra ở hầu hết các ngành. Tuy nhiên, sản phẩm đó phải sản xuất ở trong nước, ít ra là công đoạn lắp ráp (assembly) ở trong nước thì mới gọi là "made in Vietnam".
Ví dụ, ra thị trường thế giới, khi mua đôi giày thể thao hay quần áo hiệu Nike thì sẽ thấy đó là sản phẩm "made in Vietnam". Dĩ nhiên, nguyên liệu, công nghệ là nhập khẩu từ nước ngoài, kể cả thương hiệu cũng của nước ngoài, nhưng họ chế tạo tại Việt Nam.
"Điều này rất rõ ràng. Việc nhập khẩu một loại máy móc hay một hàng hóa hoàn chỉnh ở nước ngoài, dán nhãn ở nước ngoài, rồi về Việt Nam lại gỡ nhãn đi và dán nhãn Việt Nam thì làm sao có thể gọi là hàng made in Việt Nam?", ông Lịch bày tỏ.
Cũng theo Phó chủ tịch VIAC, như trong ngành dệt may, nếu DN nhập vải hay nhập sợi hoặc các máy móc thiết bị rồi sản xuất ở trong nước thì vẫn gọi là "made in Vietnam". Cho nên không thể đặt tiêu chuẩn này hay tiêu chuẩn kia.
Một câu hỏi cũng được đặt ra là tại sao tới bây giờ, Bộ Công Thương mới đưa ra quy định về cách xác định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, phải chăng chỉ đến khi xảy ra vụ lùm xùm về xuất xứ của hãng điện tử Asanzo thì các cơ quan quản lý mới bắt tay vào làm cho ra lẽ?
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng đã ban hành nhiều văn bản quy định như thế nào thì một sản phẩm/hàng hóa được coi là sản phẩm/ hàng hóa của Việt Nam, hay nói cách khác là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào các thị trường nước ngoài hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
Còn với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo Bộ Công Thương, đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, không phải của thẩm quyền của mình!
Thực tế cho thấy để các DN rơi vào vòng luẩn quẩn xuất xứ như hiện nay hoặc tình trạng nhập nhèm "đội lốt" là trách nhiệm của nhiều bộ ngành có liên quan.
Chẳng hạn như Bộ NN&PTNT sẽ quy định như thế nào là nông sản Việt Nam? Hoặc như Bộ TT&TT và Bộ KH&CN sẽ quy định thế nào là sản phẩm công nghệ Việt Nam, hay Bộ Xây dựng quy định thế nào là vật liệu xây dựng Việt Nam…?
Thế Vinh