Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Vốn đầu tư thực hiện 2 tháng các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,5 tỷ USD; 1,6 tỷ USD; 2,4 tỷ USD; 2,6 tỷ USD; 2,5 tỷ USD.
Trì hoãn đầu tư
Không dừng ở Trung Quốc, dịch Covid-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ... Điều này có thể khiến dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tiếp tục giảm do đây đều là những đối tác chính của Việt Nam.
Thu hút FDI 2 tháng đầu năm nay thấp nhất trong 4 năm qua (Ảnh: Internet) |
Bộ KH&ĐT nhận định, dịch Covid-19 sẽ khiến hoạt động đầu tư ngay lập tức bị tác động, làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa, đặc biệt là các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị. Điều này lại làm ảnh hưởng tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp FDI cũng đang rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc dừng do thiếu nguyên phụ liệu, linh kiện chưa được thông quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất và đáp ứng các đơn hàng trong quý I.
"Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư", Bộ KH&ĐT nhận định.
Theo Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, hiện rất nhiều chương trình khảo sát, làm việc để chuẩn bị lựa chọn có đầu tư hay không đầu tư đã phải đình hoãn, làm chậm lại quá trình thu hút đầu tư. Cũng như việc triển khai giải ngân đầu tư có gắn với thương mại, dịch chuyển chuyên gia nhưng điều này đang bị ách tắc từ dịch Covid-19.
"Những vướng mắc này khiến các nhà đầu tư phải nhìn nhận chiến lược đầu tư của họ. Việt Nam có tiếp tục trong trung và dài hạn là điểm hấp dẫn hay không? Chúng ta hy vọng trong dài hạn với những hấp dẫn cải cách, mở cửa hội nhập sâu rộng thì các nhà đầu tư sẽ tính toán lại", ông Thành chia sẻ.
Tính toán lại chiến lược
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, một thế giới đầy bất định và nhiều rủi ro, cú sốc Covid-19 là cơ hội để Việt Nam nhìn lại để chuẩn bị thực hiện chiến lược đầu tư một cách hiệu quả hơn, giúp lựa chọn những đối tác phù hợp đem lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam...
Đặc biệt sau dịch bệnh, các chuyên gia kinh tế nhận định, vốn FDI sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Thực tế trước đó, nhiều nhà đầu tư đã có ý định chuyển khỏi Trung Quốc do gặp bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Việt Nam là một điểm đến được xem xét với nền kinh tế ổn định, chi phí nhân công giá rẻ....
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, về dài hạn, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới là cần thiết. Để thu hút FDI, ngoài việc phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần nghiêm khắc hơn trong lựa chọn nhà đầu tư. Các địa phương, cơ quan chức năng cần phải lên phương án về mục tiêu, vốn đầu tư, phương thức đầu tư của những ngành kinh tế; cũng như tạo lập vững chắc mối liên kết giữa khối nội với khối ngoại từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam một cách bền vững.
Đặc biệt, chiến lược thu hút FDI cần phải gắn liền với việc tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Cụ thể, với hiệp định EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh nỗ lực cải cách thể chế thời hội nhập phải tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các FDI với doanh nghiệp trong nước.
Thy Lê