![]() |
Các DN muốn giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tiết kiệm chi phí, giảm phiền hà
Đây là một trong các góp ý thẳng thắn của nhiều doanh nghiệp tại hội thảo về đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Các góp ý, kiến nghị sửa đổi chính sách của DN nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa ở lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành của cơ quan Hải quan.
Ông Trương Văn Cẩm- đại diện VITAS cho biết, ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, xấp xỉ 24,7 tỷ USD. Mỗi năm nhập về gần 1 triệu tấn bông và 6 tháng quá nhập hơn 600.000 tấn bông. Ngoài ra, nhiều DN dệt may khác cũng nhập khẩu nguyên vật liệu rất lớn. Hiện nay, việc kiểm tra chuyên ngành với sản phẩm dệt may đang được điều chỉnh bởi Thông tư 32 của Bộ Công thương
“Thông tư này đưa ra quy định tạm thời từ năm 2009, mà suốt mấy năm qua, đã có nhiều biến động về quy định kiểm tra hàng hóa XNK. Tôi đề nghị, Bộ công thương cần rà soát lại quy định tại Thông tư 32 và sửa đổi những điểm chưa phù hợp, cập nhật quy định mới và sớm ban hành Thông tư mới thay thế”- Ông Cẩm chỉ rõ.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, ông Cẩm cũng cho rằng, thời gian kiểm tra từ lúc hàng hóa nhập về cảng tới lúc được thông quan tới 72 giờ là quá lâu. Do đó, cần rút ngắn thời gian kiểm tra và sớm có kết quả kiểm tra, công bố thông tin qua mạng để giảm bớt thủ tục phiền hà cho DN. Vì trước đây, có cho phép hàng hóa thông quan trước và hậu kiểm sau, nhưng chỉ thực hiện được một thời gian rồi lại bỏ mà không rõ lý do.
Đáng chú ý, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt tồn dư trên hàng dệt may, theo ông Cẩm, những DN đã tuân thủ tốt và không có trường hợp nào phát hiện chất cấm qua thời gian dài kiểm tra thì nên được ưu tiên miễn kiểm tra nội dung này.
Đồng quan điểm, đại diện một công ty chuyển phát nhanh cũng chỉ ra vướng mắc quy định kiểm tra chất formaldehyt với hàng dệt may mà DN này đang thực hiện XNK cho nhiều công ty lớn trong nước. Bên cạnh đó, công ty này còn gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động kiểm tra mẫu thực phẩm, mẫu trưng bày với hàng mỹ phẩm, băng đĩa, vải… gây tốn kém chi phí, phiền hà cho DN.
Trong nhiều năm qua, Hải quan là cơ quan thực hiện các văn bản do các bộ ngành khác ban hành, trong đó, liên quan trực tiếp đến việc quản lý, kiểm tra hàng hóa XNK. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK” để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại.
Thu Hằng