Chiều 29/10, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) đã diễn ra Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. |
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận về thực trạng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, và Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ chính trị xã hội ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Đáng chú ý, Hội nghị này nhận được sự quan tâm, tham dự của lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như: Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, Intel, Cadence, Synopsys, Qorvo, Foxconn… "Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta cùng cụ thể hoá hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam; đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50 nghìn kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn: Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan... Đặc biệt, vào tháng 9 vừa rồi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và hai quốc gia đã nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, theo đó xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
"Và chỉ sau đó 1 tuần thì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Hoa Kỳ, trong đó có nội dung làm việc rất quan trọng với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) và nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, mà nhiều quý vị đang ngồi đây đã tham gia buổi làm việc đó", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đã diễn ra. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Và như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tuyên bố: “Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu".
Thy Lê