Cách đây 2 năm, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công ty Amkor Technology, Inc. (Amkor) tổ chức Lễ ký kết thoả thuận phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C.
Khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022, dự án tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các Công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Phối cảnh nhà máy Amkor tại Bắc Ninh. |
Công ty Amkor là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Thành lập vào năm 1968, Amkor đi tiên phong trong lĩnh vực gia công bao bì và thử nghiệm vi mạch, hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho các Công ty bán dẫn, xưởng đúc và OEM điện tử hàng đầu thế giới.
Được biết, dự án trên có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD với diện tích khoảng 23ha. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Liên quan tới lĩnh vực chất bán dẫn, trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo Việt Nam - Mỹ đều ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu của chip bán dẫn toàn cầu trong năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Quan trọng hơn, những linh kiện nhỏ, nhưng có thể tìm thấy ở mọi nơi, mọi thiết bị điện tử, trở thành động lực thúc đẩy cho nền kinh tế trên toàn cầu.
Ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nhìn nhận, đại dịch COVID-19 giúp chúng ta thấy rõ hơn chuỗi cung ứng chip bị gián đoạn, xung đột Mỹ - Trung đã làm thay đổi bản chất ngành, đó là cơ hội mới cho Việt Nam trong ngành sản xuất chip. Việt Nam có lợi thế về nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.
"Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Theo đó, đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các Bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50 nghìn kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Thy Lê