Đây là vấn đề chất vấn được Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Bình Dương gửi đến Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. |
Đại biểu Xuân chất vấn: Việt Nam cần có chính sách chiến lược đột phá như thế nào, nhất là về thể chế, chính sách trong thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi liên quan đến đất hiếm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, có lẽ Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chính xác hơn. Việc này cũng không phải là chức năng nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận, đất hiếm hiện nay cũng rất cần thiết cho phát triển các ngành công nghệ cao, nhất là ngành công nghệ bán dẫn. Nếu Việt Nam có một trữ lượng như thế thì cần phải tận dụng để khai thác hiệu quả, sử dụng nguồn khoáng sản. Trước hết phải tập trung vào những nước, những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao trong lĩnh vực này, như Nhật hay Hoa Kỳ để kêu gọi đầu tư.
Cùng với đó, Việt Nam phải có chính sách như phải chế biến sâu và không xuất thô khoáng sản này. "Chúng ta phải phát triển được ngành bán dẫn của ở Việt Nam, tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng cần phải tập trung vào vấn đề nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này, khai thác, chế biến và sử dụng cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Bộ TN&MT thống kê, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế. Cụ thể là trữ lượng đất hiếm tập trung nhiều các mỏ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Nhật Linh