Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội đến năm 2025.
Hướng đến con số hơn 1.000 doanh nghiệp
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả; thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo chuỗi sản xuất cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trên cả nước.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hà Nội đặt mục tiêu có hơn 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào năm 2025. |
Với những định hướng đặt ra, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoàn thành mục tiêu tại Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 của UBND TP. Hà Nội.
Trong số các doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động, thành phố đặt mục tiêu có khoảng 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Trước đó, theo Sở Công Thương TP Hà Nội, tính đến đầu quý II/2024, Hà Nội có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Các doanh nghiệp hỗ trợ này tập trung chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp chế tạo trong sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử... Đặc biệt, các doanh nghiệp đều có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Tạo chuyển biến cả về chất và lượng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng tập trung vào các nhóm ngành nghề chất lượng cao như sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo…
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhiều lần thẳng thắn chỉ ra thực trạng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo khoảng 15-20%.
Bài toán nâng cao sức cạnh tranh cho công nghiệp hỗ trợ đang được Hà Nội chú trọng giải quyết. |
Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD.
Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Với quyết tâm đặt ra, mục tiêu có hơn 1.00 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội có lẽ không quá khó. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao để nâng cao sức cạnh tranh, thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu lại là vấn đề cần chú trọng.
Bước sang năm 2025, các chuyên gia kinh tế nhận định trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn từ nguồn lao động, tài chính, chuỗi cung ứng bị đứt gãy,… Do vậy, các đơn vị cần những điểm tựa, hợp tác để có thể tham gia chuỗi sản xuất, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và toàn cầu.
Thêm trợ lực từ cơ chế
Để giải quyết vấn đề đặt ra, TP Hà Nội dự kiến chỉ đạo các sở ngành, các địa phương đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hà Nội dự kiến tổ chức 2 Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2025 với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng sẽ được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Đặc biệt là nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu...
Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ tổ chức các Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2025; Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí thực hiện Chương trình. Phối hợp với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, Trung tâm Hỗ trợ phát triện công nghiệp - Cục Công nghiệp triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương do Bộ Công Thương thực hiện trên địa bàn Thành phố, liên kết hợp tác giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước về thực hiện Chương trình…
Đông Phong