![]() |
WB đánh giá Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ cho nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) mang tên: "Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19" dự báo đại dịch đang hoành hành có thể đẩy lùi tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống còn 4,9%, thấp hơn khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, thậm chí có thể chạm mốc 1,5% trong kịch bản xấu hơn.
Tăng trưởng kinh tế giảm còn 4,9%
Trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Theo WB, trong ngắn hạn, dịch Covid-19 có thể tạo ra tác động bất lợi tăng thêm cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các ngành du lịch, chế tạo và chế biến hiện phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.
Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại.
Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020.
Vị thế kinh tế đối ngoại được dự báo sẽ xấu đi trong năm 2020 chủ yếu do suy giảm về xuất khẩu dịch vụ (du lịch) và dòng vốn FDI đổ vào ít hơn. Bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam.
WB ước tính tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam giảm còn khoảng 4,9% năm 2020, trong khi mức dự báo cũ là 6,5%. Nguyên nhân được đưa ra là Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, WB đánh giá trước mắt nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng vững. Một số ngành của Việt Nam vẫn có sức tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như ngành công nghiệp tăng khoảng 6% vào cuối tháng 3, đầu tư công tăng mạnh...
Nền kinh tế sẽ “bật dậy” sau đại dịch
WB cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn nhìn chung thuận lợi, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19 yếu đi. “Nhìn theo hướng tích cực thì Việt Nam đang có nền kinh tế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực”, WB đánh giá.
Việc tuân thủ theo các hiệp định thương mại thế hệ mới, ví dụ như EVFTA, là cách để Việt Nam hỗ trợ cho nỗ lực đó. Biến động toàn cầu tăng lên càng cho thấy nhu cầu phải duy trì chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, bao gồm triển khai những cải cách cơ cấu theo kế hoạch, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, WB đang triển khai gói hỗ trợ trị giá 14 tỷ USD để tăng cường phản ứng Covid-19 tại các nước đang phát triển từ đó rút ngắn khả năng phục hồi, trong đó WB triển khai gói 50 triệu USD dành cho Việt Nam trong ngắn hạn. Cùng với đó là tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, y tế để đối phó với các tác động về sức khoẻ và kinh tế của đại dịch. |
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là vừa phải thúc đẩy tiến trình đó, vừa phải duy trì một xã hội công bằng ở mỗi địa phương và giữa các khu vực trong cả nước, trong điều kiện tỷ lệ nghèo đang giảm nhanh nhưng vẫn tập trung ở một số địa bàn và ở các nhóm dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực thực phẩm tăng cao cuối năm kết hợp với khả năng nguyên vật liệu đầu vào hàng hoá thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại để ứng phó với dịch Covid-19. Suy giảm từ các dịch vụ nhà hàng, du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất, chế biến có thể làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm nay.
Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione: “Chúng tôi thấy giải pháp hiệu quả của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đang được triển khai thực hiện, đó là bên cạnh chính sách tiền tệ như các khoản vay, giãn nợ, lãi suất ưu đãi, hoãn trả nợ thuế còn có chính sách đẩy mạnh đầu tư công, gói hỗ trợ mất việc hay khu vực kinh tế phi chính thức, các biện pháp đảm bảo xã hội cho người nghèo, không có thu nhập...".
Tuy nhiên, WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị gói kích thích tái khởi động nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công hiện mới chỉ thực hiện được 13% giải ngân các dự án hiện tại, kích thích đầu tư tư nhân, dịch vụ du lịch, đầu tư nhiều cho ngành có dư địa tăng trưởng, việc làm, công trình dân dụng hạ tầng.
Huyền Anh