Trước sự sụt giảm của giá thanh long, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết, HTX này đang làm hạt thanh long cung cấp ra thị trường nước ngoài, dinh dưỡng rất cao nhưng vấn đề là không tìm được đầu ra.
"Nếu biết chế biến, trái thanh long là loại quả mà không phải bỏ bất cứ thứ gì, ruột có thể làm nước cốt, rượu vang. Vỏ làm mứt, hạt thanh long làm thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già để bổ sung DHA", bà Phụng đánh giá.
Nông sản sạch phải bán giá bèo
Tuy nhiên, tất cả điều này chỉ mới là giả thiết trên kế hoạch, bởi làm gì thì làm vẫn quay lại vấn đề thị trường. Chưa nói tới câu chuyện chế biến, ngay cả trái thanh long tươi, bà Phụng cho biết: HTX hướng dẫn, nông dân sẵn sàng làm sạch, làm theo quy trình, nhu cầu của đối tác, miễn là được bao tiêu sản phẩm. Bà con nông dân được đảm bảo đầu ra, thay vì làm ra 1 tấn thanh long theo tiêu chuẩn hữu cơ nhưng chỉ bán được 300kg, còn 700kg bán không ai mua hoặc mua với giá rẻ.
Vấn đề kết nối cung - cầu nông sản vẫn còn lệch pha. |
Theo đại diện của HTX này, hiện các DN phân phối, thương lái chủ yếu muốn thu mua quả thanh long tươi nhưng giá lại không thoả đáng nên người dân sau một hồi triển khai quy trình trồng sạch, chán nản muốn quay về lối sản xuất truyền thống, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nhanh.
Tương tự, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Triso Group, cho biết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là chi phí vốn, cải tạo đất đai rất lớn. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện vẫn chưa "happy" với các mặt hàng này do giá cao hơn sản phẩm cùng loại.
Vì vậy, ông Minh cho rằng: DN phải xác định làm nông nghiệp là "cuộc chơi" lâu dài, đầu tư là phải chấp nhận thua lỗ. Mặt khác, DN cũng cần kiên trì để chia sẻ với khách hàng về quy trình trồng trọt, chế biến, tạo cho khách hàng có cơ hội trải nghiệm. "Kiên trì chấp nhận cuộc chơi lâu dài, đầu tư thì phải chấp nhận lỗ, lãi", ông nói.
Tuy nhiên, nhiều khi câu chuyện kết nối cung - cầu nông sản vẫn chưa gặp nhau. Bà Đỗ Thị Thu Hương - Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, thời gian qua, có một nhà phân phối ở Canada có doanh thu rất lớn muốn mua hoa quả tươi Việt Nam nhưng chưa thành công, nguyên nhân là do thiếu nhiệt tình từ phía DN Việt Nam.
"DN của họ vào Việt Nam khảo sát, thăm trang trại trồng trọt, cơ sở đóng gói. Phía Việt Nam cũng cử đoàn đại diện cùng cơ quan quản lý, DN tham quan toàn chuỗi phân phối của siêu thị trên. Hai bên trao đổi hợp tác 5 - 7 năm để đưa trái cây Việt Nam lên kệ. Nhưng rất tiếc, hơn một năm nay không nhận được phản hồi của cơ quan chủ quản, của DN Việt Nam", bà Hương chia sẻ.
Sản xuất nông nghiệp cần phải có giấy phép
Nhìn nhận điều này, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch công ty Bagico Bắc Giang, cho rằng vấn đề tiêu thụ nông sản cần phải có phương án, giải pháp thường xuyên. Thị trường nông sản của mình phần nhiều vẫn nhỏ lẻ và kinh doanh đang thiếu kế hoạch, không có nguồn lưu trữ và không có thông tin.
Nhắc tới câu chuyện nông sản ùn ứ do dịch bệnh bùng phát trong những ngày qua, bà Thực cho biết DN này cũng tính đến các phương án thu mua giúp bà con nhưng ai thu hoạch, ai vận chuyển đi lại là cả một vấn đề.
Trong bối cảnh này cần phải số hóa nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Nhà nước cần có thống kê về dữ liệu thời vụ, thị trường, chất lượng, giá cả, cần có sự quan tâm đến người dân, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của người dân, xem thử họ trồng thế này thì bán ở đâu...?
Mới đây, nói về định hướng phát triển ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng trong thời gian tới sản xuất nông nghiệp cần phải có giấy phép. Giải thích điều này, ông cho rằng giấy phép không phải là việc xin - cho mà để cơ quan chức năng biết, từ đó khuyến cáo nông dân về thị trường thiếu cái gì, thừa cái gì, định hướng sản xuất.
"Trách nhiệm của Nhà nước, của ngành nông nghiệp, của chính quyền là khuyến cáo, định hướng, nắm được số liệu sản xuất, chứ không phải xin - cho, làm khó nông dân mà cái chính là để bảo vệ người nông dân", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết cách làm của tỉnh này là thông qua Hội quán, HTX để hướng dẫn người nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ đó thu hút các DN vào liên kết với bà con nông dân để tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2020, do chịu tác động của dịch COVID-19, nên nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như cá tra gặp khó khăn. Theo đó, tỉnh này đã đẩy mạnh xúc tiến, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của tỉnh vào các siêu thị lớn, bếp ăn quân đội...
Lê Thúy