Thông tin trên trang DealstreetAsia (nền tảng dữ liệu đầu tư tài chính tổng hợp của thị trường châu Á) vào ngày 13/7 ắt hẳn làm cho giới kinh doanh TMĐT phải chú ý. Đó là việc ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Tiki tại Việt Nam, đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng quản trị của công ty.
Khó tránh kẻ thua, người thắng
Ngay sau thông tin bất ngờ này, một loạt dữ liệu cho thấy hiệu quả kinh doanh của Tiki không mấy sáng sủa. Chẳng hạn như năm tài chính 2022, theo TechinAsia, sàn TMĐT này ghi nhận doanh thu dưới mức 200 triệu USD và khoản lỗ 93 triệu USD.
Để “sống sót” trong cuộc đua giành thị phần đầy khắc nghiệt đang đòi hỏi các sàn TMĐT cần có hướng đi bền vững hơn. |
Hoặc như hồi quý 1/2023, theo dữ liệu của Metric (nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT) thì Tiki chỉ đạt doanh thu 846,5 tỷ đồng, với sản phẩm và người bán tương đối hạn chế. Doanh số của Tiki được cho là chưa bằng 15% của TikTok Shop và chỉ chiếm thị phần 2,2%.
Tệ hơn nữa là Sendo với doanh thu chỉ đạt 55 tỷ đồng. Báo cáo của Metric cũng thể hiện rõ Shopee, Lazada và TikTok Shop chiếm phần lớn thị phần, trong đó Shopee chiếm phần lớn nhất là 63,1%.
Báo cáo của Metric cũng cho biết thêm là có 412.769 người bán trên 5 nền tảng TMĐT hàng đầu Việt Nam, với hơn 390 triệu sản phẩm được giao thành công. Trong đó, Shopee với 211.609 nhà bán hàng ghi nhận doanh thu hơn 24.700 tỷ đồng, cung cấp 289,7 triệu sản phẩm.
Theo số liệu từ các nền tảng phân tích dữ liệu về TMĐT (được cập nhật từ tháng 2/2023 đến tháng 4/2023 và đo lường tất cả lưu lượng truy cập) cho thấy Shopee ở Việt Nam đều vượt xa đối thủ cạnh tranh. Điều thực sự ấn tượng là khả năng của sàn TMĐT này trong việc thu hút nhiều lưu lượng truy cập hơn và có thời lượng truy cập cao hơn.
Ngược lại, Lazada đứng thứ hai nhưng với cách biệt khá rộng khi chỉ ghi nhận 7.500 tỷ đồng từ 105.921 nhà bán hàng và 55,2 triệu sản phẩm.
Trong khi đó, dù mới tham gia vào thị trường TMĐT ở Việt Nam cách đây không lâu nhưng doanh thu của TikTok Shop đã vượt qua Tiki và Sendo, với 6.000 tỷ đồng và 41,2 triệu sản phẩm từ 68.411 người bán.
Việc TikTok gia nhập thị trường TMĐT ở Việt Nam trong nửa đầu năm nay được xem như một “mối đe dọa” về thị phần với các sàn TMĐT hàng đầu khác. Nhất là Tik Tok đã thay đổi “trò chơi” bằng cách chủ yếu dựa vào lưu lượng truy cập không phải trả tiền để thúc đẩy doanh số bán hàng cho người bán của họ thông qua ứng dụng dành cho người tiêu dùng.
Thị trường sẽ còn thay đổi với “người chơi” mới
Hơn nữa, vị trí độc đáo của TikTok trên các video ngắn theo hình dọc giúp tiếp tục tăng lượng người xem, nhờ đó giúp cho doanh thu trên sàn TMĐT của họ cũng tăng theo. Và Shopee, Lazada hay Tiki sẽ phải đối mặt cạnh tranh với điều đó.
Nhìn từ việc “ăn nên làm ra” của TikTok Shop, giới phân tích nhận định thị trường TMĐT ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những thay đổi khi những “người chơi” mới gia nhập thị trường. Khi đó, cuộc đua thị phần sẽ càng trở nên gay gắt và những “người chơi” hiện tại muốn duy trì thị phần thì đòi hỏi phải thích ứng với nhu cầu và sở thích thay đổi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Metric cũng cho biết mặc dù tổng doanh thu và doanh số bán hàng của thị trường TMĐT ở Việt Nam trong quý đầu năm nay tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số lượng cửa hàng có doanh số giảm đáng kể 17%.
Điều này cho thấy những người bán nhỏ lẻ và thiếu chuyên nghiệp có thể sẽ dần rút lui khỏi thị trường. Lợi nhuận sẽ đổ về những người thực sự chuyên nghiệp và đầu tư vào việc bán hàng trên các sàn TMĐT.
Xét về triển vọng của thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT có dẫn báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, cho rằng sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 37% trong giai đoạn 2022-2025. Đến năm 2025, giá trị ngành TMĐT dự kiến đạt 32 tỷ USD, chiếm gần 2/3 (65%) tổng giá trị nền kinh tế số Việt Nam.
Sức hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam còn được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng chóng mặt, vượt qua các ngành bán lẻ truyền thống như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ. Theo dự đoán của Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, thị trường TMĐT của Việt Nam có thể lớn ngang với ngành bán lẻ truyền thống vào năm 2025.
Trước những dự báo đầy xán lạn như vậy, điều chắc chắn là thị trường TMĐT ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục có những cuộc đua cạnh tranh gay gắt về thị phần. Từ đó sẽ khó tránh trường hợp những sàn TMĐT với khả năng cạnh tranh kém so với các đối thủ lớn đành phải chấp nhận tình cảnh kinh doanh sa sút, thua lỗ. Khi đó, vấn đề được đặt ra là ai sẽ “sống sót” trong “cuộc chiến” TMĐT ở Việt Nam?
Giữa bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, điều mong mỏi của người tiêu dùng Việt Nam là cần những mô hình kinh doanh TMĐT bền vững hơn. Do đó, các sàn TMĐT cũng nên chọn hướng đi bền vững để “sống sót” thay vì bị đào thải.
Và như khuyến nghị của nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT, có 4 trọng tâm mà ngành TMĐT ở Việt Nam cần tập trung vào để phát triển bền vững: Thứ nhất là mô hình kinh doanh bền vững. Thứ hai là cơ sở hạ tầng bền vững. Thứ ba là nguồn nhân lực số chất lượng cao. Và thứ tư là công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Thế Vinh