Thông tin về việc nhập khẩu (NK) nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong ngành da giày ở Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày Tp.HCM cho biết, hiện nguồn hàng này vẫn đang chiếm tỷ lệ không dưới 60%.
Da giày “căng” với giá thành
Do đơn hàng của ngành da giày Việt Nam tương đối nhiều, nên việc NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng nhiều. Tuy nhiên, giá NK từ đầu năm đến nay đã tăng 7 - 10%, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, nhưng khi xuất khẩu lại không tăng được giá.
“Ngành da giày phải nói là đang “căng” ở chỗ đó. Giá thành tăng nhiều nhưng không tăng được giá xuất khẩu, nếu có tăng thì cũng chỉ tăng 2 - 3%. Điều này rõ ràng làm cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành rất khó khăn về giá cả, đơn hàng và cả dòng vốn”, ông Khánh bộc bạch.
Mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. |
Trao đổi với VnBusiness bên lề Triển lãm thương mại China Homelife Vietnam 2022 tổ chức ở Tp.HCM ngày 29/8 (quy tụ 173 nhà sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu hàng đầu Trung Quốc trong các ngành Dệt may - Da giày, Gia dụng, Điện tử tiêu dùng, Vật liệu xây dựng - Nội thất), Phó Chủ tịch Hội Da giày Tp.HCM cho rằng, việc tự chủ nguyên phụ liệu da giày ở Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận vẫn còn rất yếu, thiếu và bị xao lãng, nguồn nguyên liệu chính vẫn phải mua từ Trung Quốc.
Trong khi đó, theo thông tin mới đây từ đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày hiện đã cải thiện đáng kể, đạt mức 55%, riêng đối với mặt hàng giày thể thao đã đạt 70-80%.
Giới chuyên gia đánh giá con số kể trên không bao quát hết thực trạng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu NK, nhất là từ Trung Quốc, của các DN trong ngành da giày. Việc chủ động được nguồn nguyên phụ liệu hay cải thiện tỷ lệ nội địa hoá thực chất là tuỳ thuộc vào từng DN.
Thực tế, vẫn có những công ty giày dép sử dụng 95% nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, giá trị của mỗi sản phẩm ở những công ty này thông thường lại không cao so với sản phẩm từ các DN chuyên dùng nguồn nguyên liệu NK.
Cần lưu ý thêm, với những đơn hàng xuất khẩu vào những thị trường cao cấp đòi hỏi nguồn nguyên phụ liệu tốt, chắc chắn các DN phải NK, thậm chí là nhập nhiều từ Trung Quốc. Nếu tính trên một đôi giày thành phẩm mà DN trong nước sản xuất, riêng phần da và đế giày thì nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đã chiếm tới 70 - 80%.
Liên kết để tránh phụ thuộc
Còn với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan Tp. HCM cho biết, tỷ lệ NK nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hiện vào khoảng 60%, đi ngang từ năm ngoái.
Trên thực tế, trước mắt, theo ông Hồng, việc tránh phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc chắc chắn sẽ khó. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ ở khâu chính sách, cũng như sự liên kết giữa các DN với nhau mạnh mẽ hơn thì mới có vượt qua trở ngại về sự phụ thuộc này nhằm tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước.
Những đánh giá mới đây cho thấy, trung bình mỗi tháng, Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng nửa đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày cho Việt Nam khi chiếm tỷ trọng lên đến 53%, với kim ngạch đạt 7,76 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Giới phân tích nhận định, các DN dệt may và da giày không chỉ tiếp tục phụ thuộc nhiều mà còn tăng NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Điều này thể hiện ở tổng giá trị NK nguyên phụ liệu dệt may - da giày chỉ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng NK từ Trung Quốc có mức tăng đến 11,7%.
Trong chuyện tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu NK, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), bày tỏ băn khoăn khi vẫn gặp khó về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu.
Và đó chính là nguyên nhân làm cản trở việc gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trong ngành da giày. Đơn cử như với công nghiệp thuộc da - lĩnh vực sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với ngành da giày, lại đang đối mặt các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường, trong khi đây là mặt hàng mà hàng năm phải nhập hàng tỷ USD.
Tương tự như vậy, do lo ngại gây ô nhiễm môi trường nên việc phát triển công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may ở trong nước vẫn còn đang gặp khó khăn do một số địa phương chưa mặn mà với việc phát triển các dự án dệt, nhuộm.
Cần lưu ý thêm, việc đầu tư, phát triển cho việc sản xuất nguyên phụ liệu dệt may - da giày đòi hỏi công nghệ và vốn lớn, trong khi đây lại là thách thức lớn với các DN nội địa bởi còn hạn chế về nguồn lực.
Tuy nhiên, nói như ông Phạm Xuân Hồng, dẫu biết chuyện phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc là khó tránh, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng liên kết để tránh phụ thuộc, khó khăn nào cũng cần các DN phải vượt qua!
Thế Vinh